Khánh Hòa: Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 12/10/2023
“Biến di sản thành tài sản”, khai thác văn hóa truyền thống tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi để thu hút, phát triển du lịch là hướng đi của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn từ 2021-2025, triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thuộc Chương trình 1719, đã mang đến những cơ hội mới để Khánh Hòa khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Người dân xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) tái hiện lễ ăn đầu lúa mới. (Ảnh GĐ)

Bảo tồn giá trị di sản

Tại tỉnh Khánh Hòa, đồng bào các DTTS tập trung chủ yếu ở 2 huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Riêng huyện Khánh Sơn có hơn 70% dân số là người Raglai sinh sống. Thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều nỗ lực, hành động cụ thể để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Raglai. 

Trong tháng 8 vừa qua, huyện đã tổ chức Liên hoan các làng văn hóa năm 2023, thu hút 8 làng văn hóa tiêu biểu đại diện cho 8 xã, thị trấn trong huyện tham gia. Đây đều là các thôn, tổ dân phố nhiều năm liền đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Hơn 200 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đã sôi nổi tranh tài ở các phần thi: Làng nghề truyền thống; chào hỏi và văn nghệ; trò chơi dân gian; tổ chức các gian hàng... Liên hoan đã phản ánh những nét đặc trưng trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thể hiện ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Trước đó (vào tháng 7/2023), huyện Khánh Sơn đã khai giảng lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá cho 56 học viên là người dân tộc Raglai; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa; giáo viên bộ môn âm nhạc các trường học; học sinh có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ; thành viên đội văn nghệ của xã. Trong thời gian 1 tháng, các học viên đã được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng đàn đá để biểu diễn phục vụ trong những sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Từ đó, góp phần đưa đàn đá - loại nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai phổ biến hơn trong cuộc sống hiện đại. Đây là một trong những nội dung của Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: 2021 – 2025 đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Phần trình diễn của Làng văn hoá Suối Cá (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) tại Liên hoan các làng văn hóa năm 2023.

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Raglai, Cơ Ho... cũng được các địa phương quan tâm bảo tồn, phục dựng. Năm 2022, huyện Khánh Sơn đã thực hiện phục dựng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ bỏ mả của đồng bào Raglai. Năm 2023, huyện Khánh Vĩnh tiến hành phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai. Theo kế hoạch, trong các năm 2024-2025, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp với các địa phương phục dựng Lễ Ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai tại huyện Khánh Sơn; Lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin (một nhánh dân tộc Cơ Ho) tại huyện Khánh Vĩnh và triển khai các hoạt động phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, đồng bào Raglai tại huyện Khánh Sơn vẫn gìn giữ, tổ chức các nghi lễ truyền thống như lễ tạ ơn cha mẹ, lễ cưới, lễ ăn đầu lúa mới… Những nghi lễ này đều có sự tham gia của cả cộng đồng nhằm duy trì gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ, buôn làng; thể hiện ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc và triết lý sống hòa hợp với tự nhiên, vũ trụ... Già làng Cao Lê Dân (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) cho rằng, những nghi lễ, lễ hội truyền thống được dân làng tổ chức là sự tổng hợp của nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, được chính các nghệ nhân và đồng bào phô diễn, thể hiện. Ví dụ như trang phục, các hiện vật văn hóa, những nghi thức, bài cúng, nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực,…

Công viên Du lịch Yang Bay (huyện Khánh Vĩnh) trở thành điểm đến của du khách ưa trải nghiệm du lịch sinh thái núi rừng.

Còn tại huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa, từ bao đời nay, đồng bào Ê Đê vẫn giữ gìn và thực hành lễ cúng bến nước. Nghệ nhân Y Oanh ở thôn Soi Mít, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh cho biết. “Sau mùa thu hoạch, đồng bào Ê Đê lại tổ chức lễ cúng bến nước để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội diễn ra trong một ngày với sự tham gia của tất cả các thành viên trong buôn làng. Lễ cúng lớn hay nhỏ tùy vào điều kiện của mỗi buôn làng, nhưng đều rất vui”.

Biến di sản thành sản phẩm du lịch

Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, từ năm 2016, Khánh Sơn đã xây dựng, triển khai Chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để cụ thể hóa Chương trình, huyện Khánh Sơn xác định khai thác tiềm năng di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Huyện đã có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhằm đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở lại với đời sống của đồng bào Raglai như: Khuyến khích, tạo điều kiện, cơ hội cho các nghệ nhân người Raglai thể hiện các loại hình diễn xướng dân ca, biểu diễn nhạc cụ truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương hay các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch của tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các đội biểu diễn mã la, đàn đá, đội văn nghệ truyền thống, CLB dân ca, dân vũ tại các buôn, làng để giao lưu và phục vụ khách du lịch.

Thanh niên người Raglai ở huyện Khánh Sơn biểu diễn đàn đá. (Ảnh GĐ)

Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn được tổ chức hằng năm đều có các hoạt động trưng bày, biểu diễn, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Huyện cũng tổ chức tour du lịch đến các nhà vườn tiêu biểu, các điểm phong cảnh đẹp để du khách trải nghiệm… Nhờ đó, hình ảnh thiên nhiên, con người, một số điểm du lịch ở Khánh Sơn đã được nhiều du khách biết đến.

Còn huyện Khánh Vĩnh cũng đang khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái núi rừng. Ngoài Khu du lịch Yang Bay quen thuộc với du khách, gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình mới về du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm ẩm thực địa phương, như: Suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)...

Những thiếu nữ Raglai trong trang phục dân tộc. (Ảnh GĐ)

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa nhận định: Tỉnh đánh giá rất cao về tiềm năng du lịch sinh thái của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển du lịch ở 2 địa phương chưa được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân địa phương vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh từ nay đến năm 2030, bên cạnh du lịch biển đảo sẽ có thêm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi rừng, du lịch sinh thái hấp dẫn để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Để phát triển du lịch ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, còn nhiều việc phải làm, nhất là việc kêu gọi đầu tư; quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo nhân lực…

Để du lịch phát triển một cách căn cơ, mới đây, HĐND huyện Khánh Sơn ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển du lịch huyện Khánh Sơn đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu đưa Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án của đặt mục tiêu đến năm 2030, huyện có 570 phòng lưu trú, hoàn thành 3 - 5 điểm du lịch sinh thái mới, hỗ trợ người dân xây dựng các Homestay; đón 45.000 lượt khách/năm, trong đó có 6% khách quốc tế; doanh thu đạt 88 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho Đề án hơn 254 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 8,3 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác 246 tỷ đồng…

Những cung đường đèo cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Khánh Sơn đã làm đắm say lòng người.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho rằng, việc Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hướng đến khai thác du lịch sinh thái núi rừng kết hợp với du lịch nông nghiệp và văn hóa là hướng đi rất nhiều triển vọng, phù hợp với Đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh và kế hoạch phát triển du lịch tỉnh theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Sắp tới đây, khi tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng (đi qua huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn) được triển khai xây dựng, việc phát triển du lịch của 2 huyện sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Hiện nay, Sở Du lịch đang khảo sát để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư du lịch ở các địa phương. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển du lịch, 2 huyện cần chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương, phải có quy hoạch, dự án cụ thể để mời gọi các nhà đầu tư.

Ngọc Ánh

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 10/10/2023