Xung quanh việc phục dựng các di sản văn hóa ở Kon Tum

Cập nhật: 23/10/2023
Việc phục dựng các di sản văn hóa luôn cần được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Kon Tum tiếp tục được quan tâm, xem đây là đầu tư cho tương lai, cho sự trường tồn của dân tộc.

Để bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống, từ năm 2021 - 2022, tỉnh Kon Tum đã phục dựng 3 lễ hội truyền thống, gồm: Lễ mở kho lúa (của dân tộc Rơ Măm, tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy); Lễ cưới truyền thống (của dân tộc Gié - Triêng tại thôn Nông Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) và Lễ ăn than (Cha K’chiah của dân tộc Gié - Triêng tại thôn Đăk Ga, xã Nhoong, huyện Đăk Glei); đồng thời lập hồ sơ khoa học về “Lễ Et Đong” (Tết con Dúi của dân tộc Ba Na - Jơ Lâng tại huyện Kon Rẫy) và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ bắc máng nước của dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: TL

Là tỉnh giàu bản sắc văn hóa các DTTS tại chỗ thì việc phục dựng được 3 lễ hội truyền thống không phải nhiều. Điều đáng quan tâm hiện nay là một số lễ hội truyền thống có xu hướng mai một do cuộc sống của đồng bào DTTS đã và đang thay đổi. Trong sản xuất, phương thức sản xuất chuyển từ làm lúa rẫy sang trồng các loại cây công nghiệp, cây dài ngày trong đời sống, cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày, người DTTS ở nhiều vùng đã sử dụng nước giếng, nước máy thay cho nước giọt. Một số làng của đồng bào DTTS theo tôn giáo chỉ còn duy trì các ngày lễ tôn giáo, giảm dần hoặc không còn duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc mình, như làng Đăk Glei, xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei); làng Kon Hơ Ngo Ktu, xã Vinh Quang và làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum).

Mặt khác, qua giám sát thực tế của Ban Văn hóa-Xã hội, (HĐND tỉnh) cho thấy các thôn, làng đều có các lễ hội, có các bài dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống nhưng các địa phương chưa kiểm kê, sưu tầm đầy đủ. Trong khi đó, một số cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã làm công tác này chưa nắm rõ chuyên môn và am hiểu tường tận về dân ca, dân vũ, dân nhạc và các lễ hội truyền thống dẫn đến công tác rà soát, thống kê, tổng hợp chưa đầy đủ. Một số lễ hội, dân ca truyền thống bị mai một, khó có điều kiện và khả năng phục dựng.

Hiện nay, dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống phát triển tại một số địa phương trong tỉnh và đang dần trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Tuy vậy, so với tiềm năng của tỉnh thì kết quả mang lại chưa tương xứng, chưa đầy đủ.

Lễ cúng sức khỏe của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Ka Dong. Ảnh: TL

Phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống tốt đẹp đã tồn tại lâu đời và khẳng định giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh là góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các di sản văn hóa. Để làm điều đó, trước hết cần khẩn trương kiểm kê, sưu tầm đầy đủ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Quá trình kiểm kê, sưu tầm cần cố gắng giữ nguyên bản nhằm bảo tồn giá trị của di sản, đồng thời ngăn chặn sự mai một đã và đang diễn ra trên thực tế.

Song song với việc phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS cần quan tâm, phục dựng các làn điệu, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Kinh cũng đang có biểu hiện mai một. Có làm như vậy thì công tác bảo tồn mới được toàn diện, đầy đủ và sâu sắc. Vì trong tiến trình phát triển và hội nhập, không chỉ có các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và lễ hội truyền thống của các DTTS bị mai một, mà các làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống tốt đẹp của người Kinh cũng đang gặp thách thức không nhỏ.

Nghiên cứu, đưa nội dung về việc giữ gìn văn hóa truyền thống vào môi trường giáo dục, đặc biệt cho học sinh. Coi trọng việc lưu trữ, quảng bá giá trị các loại hình lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc, nhất là các loại hình đứng trước nguy cơ sớm bị mai một.

Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Kon Tum cần tiếp tục quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác này và xem đây là đầu tư cho tương lai, cho sự trường tồn của dân tộc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và giúp người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc giá trị của các di sản để họ tích cực tham gia và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, khôi phục, khai thác và phát huy các giá trị của di sản nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Tài Lương

Nguồn: Báo Kon Tum - baokontum.com.vn - Đăng ngày 22/10/2023