Kiên Giang đột phá phát triển toàn diện du lịch

Cập nhật: 26/10/2023
Để đạt mục tiêu cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, tỉnh Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch, theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại...

Tiềm năng phát triển du lịch của TP Phú Quốc - Kiên Giang là rất lớn, nơi đây là điểm thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và nghỉ dưỡng. (Ảnh: K.V)

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt du khách nội địa; đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh, đạt 4.900 triệu USD, tương đương 105.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang, hiện nay cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của ngành du lịch được chú trọng quan tâm đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực du lịch được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử góp phần phục vụ cho công tác phát triển kinh tế du lịch địa phương...

Kiên Giang có 940 cơ sở lưu trú với 33.275 phòng, riêng hạng 4-5 sao có 26 cơ sở với 11.133 phòng. Hiện, toàn tỉnh thu hút 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 9.663ha và tổng vốn đầu tư 372.484 tỷ đồng; trong đó có 76 dự án đi vào hoạt động, với tổng quy mô 1.301ha và tổng vốn đầu tư 18.114 tỷ đồng; 81 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng diện tích 4.253ha và tổng vốn đầu tư khoảng 194.931 tỷ đồng; 160 dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, với tổng quy mô 4.109ha và tổng vốn đầu tư ước thực hiện 159.438 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiên Giang còn tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá trọng tâm, trọng điểm trong và ngoài nước; khai thác hiệu quả thị trường du lịch truyền thống, tìm kiếm thị trường du lịch mới, tiềm năng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng cảng biển du lịch tại các địa bàn trọng điểm và một số sân bay nhỏ dạng “air-taxi” nhằm tăng cường kết nối các địa bàn Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang cũng đã tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch; xã hội hóa đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, đẩy mạnh chính sách mở cửa bầu trời, tạo thuận lợi cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với quốc tế. Tỉnh xác định rõ danh mục dự án kêu gọi đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn ở TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên và huyện Kiên Lương...

Theo ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, trong tình hình chung của cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhiều năm liền; song từ năm 2018 đến tháng 9/2023, tỉnh này đã đón trên 39 triệu lượt khách du lịch; trong đó trên 2,2 triệu lượt du khách quốc tế (cả du khách nội địa và quốc tế đều vượt chỉ tiêu theo nghị quyết đến năm 2030); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 70.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, du lịch Kiên Giang đã ngày càng khẳng định là ngành có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và của ngành du lịch cả nước nói chung, đã từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của ngành.

Để duy trì và phát triển lượng du khách đến Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu, xây dựng nhiều phương án, kịch bản tăng trưởng du lịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực và cả nước. Từng bước cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững…

Một dự án du lịch đầu tư vào tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: K.V)

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, Kiên Giang thực hiện đồng bộ trong phát triển du lịch trong đó nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; phát huy vai trò của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch,… các cấp, các ngành linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các chính sách về phát triển du lịch, ngày càng đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch.

Bên cạnh đó, phát huy các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có như: du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo; tham quan, trải nghiệm tại các công viên chuyên đề. Tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh về tài nguyên du lịch, tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên. Phát triển đa dạng các tuyến du lịch, các loại hình du lịch ven biển, các đảo...

Đồng thời tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành trong chuỗi giá trị, gắn phát triển xanh, bền vững. Tỉnh chủ động, tích cực tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, liên vùng cả trong và ngoài nước, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; tăng cường kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết, xúc tiến du lịch, quảng bá chính sách miễn thị thực đối với du khách quốc tế đến Phú Quốc theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ để thu hút khách quốc tế đến Kiên Giang./…

Bảo Châu (t/h)

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 26/10/2023