Cách làm hay trong quản lý di tích tại Côn Đảo

Cập nhật: 28/11/2023
Huy động nhân dân tham gia bảo vệ di tích, nâng cấp trùng tu di tích từ nguồn tiền công đức… Côn Đảo đang làm rất tốt công tác tổ chức quản lý và phát huy hiệu quả giá trị di tích trên địa bàn.

An Sơn Miếu vừa hoàn thành đại trùng tu.

Tổ tự quản di tích do dân bầu

Ngoài cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt do Sở VH-TT quản lý, Côn Đảo có 2 di tích cấp tỉnh và 16 di tích nằm trong danh mục kiểm kê nhưng chưa xếp hạng. Các di tích này được tỉnh phân cấp cho UBND huyện Côn Đảo quản lý. Đảm nhận nhiệm vụ trông giữ, quản lý các di tích trên do chính người dân sinh sống trên địa bàn thực hiện với mô hình Tổ quản lý di tích, được UBND huyện Côn Đảo thành lập từ năm 2020.

Hiện huyện Côn Đảo có 4 Tổ quản lý di tích với 16 người làm nhiệm vụ bảo quản tài sản, giữ cảnh quan môi trường, trật tự trong khuôn viên di tích và 1 kế toán quản lý thu chi, tiền công đức.

Đáng chú ý, Tổ quản lý di tích được bầu chọn công khai ở từng khu dân cư (KDC) có sự chứng kiến của đại diện Mặt trận cơ sở KDC, MTTQ Việt Nam huyện và Phòng VH-TT.

Làm công tác tự quản di tích từ ngày đầu thành lập tổ, ông Nguyễn Đức Tư (67 tuổi), thành viên tổ quản lý di tích KDC số 1 bắt đầu ngày làm việc tại Miếu Cậu lúc 5 giờ sáng. Ông cho biết, ngoài miếu Cậu, KDC số 1 còn 2 di tích và 1 danh thắng nữa là Miếu Bà, bia tưởng niệm 75 chiến sĩ, đồng bào bị thực dân Pháp sát hại và Bãi Đầm Trầu.

Theo quy định, di tích sẽ mở cửa đón khách từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, nhưng nhiều du khách tranh thủ buổi sáng trời mát tham quan sớm, nên ông luôn bắt đầu ngày làm việc sớm để khuôn viên di tích sạch sẽ, tươm tất đón khách.

Tại An Sơn Miếu (miếu bà Phi Yến), buổi trưa vãn khách, bà Đặng Thị Lệ Hồng, thuộc Tổ quản lý di tích KDC số 3 nhanh tay thu gom chân nhang trong các lư hương, quét dọn vội đám lá cây phủ kín mặt sân trước. Khi khách hỏi về lịch sử di tích, bà kể rành mạch và không quên cung cấp thêm thông tin về Lễ giỗ bà Phi Yến lần thứ 238 tại huyện Côn Đảo sẽ diễn ra vào các ngày 28, 29 và 30/11 (nhằm ngày 16, 17 và 18/10 âm lịch) sắp tới với nhiều hoạt động hội như” viết thư pháp, trưng bày giới thiệu quà tặng và đặc sản Côn Đảo, hội thi bánh dân gian, chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử, thi cắm hoa, chưng mâm ngũ quả…. Bà bảo: “Lễ giỗ bà Phi Yến năm nay lớn lắm. Tôi phải tranh thủ quảng bá cho du khách thập phương biết thêm về các hoạt động để thu hút khách đến Côn Đảo nhiều hơn trong dịp này”.

Thống kê của UBND huyện Côn Đảo, từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, tổng thu từ nguồn công đức, tài trợ cho các di tích do huyện quản lý là hơn 34 tỷ đồng; tổng chi hơn 4 tỷ đồng.  

Trùng tu di tích từ nguồn tiền công đức

Không chỉ làm tốt công tác trông coi, bảo quản di tích, Côn Đảo cũng là địa phương quản lý, sử dụng nguồn thu từ tiền công đức, cúng dường minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích. Nguồn thu chi tiền công đức được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện.

Bà Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, từ nguồn thu công đức đã hỗ trợ rất lớn cho địa phương trong việc sửa chữa, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn, chi trả tiền lương cho người làm nhiệm vụ tại Tổ quản lý di tích trên địa bàn.

Cụ thể, trong 2 năm 2022 - 2023, huyện Côn Đảo tập trung tu bổ, tôn tạo 2 di tích luôn thu hút đông đảo du khách hành hương là An Sơn Miếu và danh thắng chùa Núi Một từ nguồn xã hội hóa. Hiện công trình tôn tạo An Sơn Miếu đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng.

Về danh thắng chùa Núi Một, đơn vị chủ quản cũng đã đầu tư gần 3 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ nhiều hạng mục. Huyện đang tiếp tục đôn đốc chủ quản di tích trên đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo danh thắng chùa Núi Một.

Bài, ảnh: Minh Hiền

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu - baobariavungtau.com.vn - Đăng ngày 22/11/2023