Quảng bá, lan tỏa Hát Xoan trên không gian mạng

Cập nhật: 25/03/2024
Với mong muốn đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan, lan tỏa Hát Xoan ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng để nhiều người có thể tiếp cận các bài xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hay các mục đích khác, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng các cộng sự đã thực hiện dự án "Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan".

Đây là dự án 100% từ nguồn xã hội hóa, do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long làm chủ nhiệm dự án.

Dự án được lên kế hoạch từ năm 2022 và thực hiện trong năm 2023 và được ra mắt đúng dịp mùa xuân Giáp Thìn trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long sáng lập và vận hành nhằm tôn vinh những giá trị âm nhạc quý báu của dân tộc. Đây như một hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 âm lịch năm 2024.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết, mong muốn của anh và các cộng sự là đóng góp sức mình vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Hát Xoan, lan tỏa Hát Xoan ra cộng đồng, đặc biệt là trên không gian mạng. Từ đó, nhiều người có thể tiếp cận các bài Xoan chuẩn mực, thưởng thức hoặc khai thác làm tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu hay các mục đích khác.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, là một dự án mang đặc trưng của thời đại số, với mục đích giới thiệu và lan tỏa Hát Xoan trên không gian mạng, nên ngay từ thời điểm đầu, Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan đã được thực hiện với những tiêu chí phù hợp với đặc điểm này. Cũng vì thế, dự án tập trung vào giá trị thực nhất có thể, cả trong âm nhạc cũng như phần hình ảnh.

Các nghệ nhân trong điệu Hát Xoan

Bên cạnh phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan bao gồm 3 bài thuộc Chặng Hát Thờ và 13 bài thuộc Chặng Quả cách, phần nội dung còn có thêm một clip là "Về đất Tổ nghe Xoan" ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - biên tập viên Hoàng Chung với các nghệ nhân Phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án, đồng thời có sự tham gia của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long. Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cánh cửa cho những ai yêu Hát Xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Xoan, hiểu thêm hơn về Xoan.

Phần hình được thực hiện rất đơn giản, hình ảnh được ekip ghi tại 4 di tích lịch sử có liên quan trực tiếp tới Hát xoan đó là: Miếu Lãi Lèn (Phường Xoan Phù Đức), đình Thét (Phường Xoan Thét), đình Kim Đới (Phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (Phường Xoan An Thái). Cả 4 di tích đều nằm trong địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Phần hình được thực hiện với mục đích là hình nền minh họa, giới thiệu các di tích lịch sử liên quan trực tiếp đến Hát Xoan.

Các nghệ nhân biểu diễn Hát Xoan

Đặc biệt, với tên gọi Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan thì trọng tâm của dự án chính là phần nội dung âm nhạc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Hát Xoan chia thành 3 chặng hát chính là Hát Thờ, Hát Quả cách và Hát Hội. Trong đó, Hát Quả cách được coi là chặng hát trung tâm. Có tất cả 13 Quả cách (cách gọi riêng của nghệ thuật này, tương ứng với 13 bài). Đây là những bài được hát ở không gian bên trong đình, miếu thuộc 4 phường xoan gốc. Ở dự án này giới thiệu toàn bộ 13 Quả cách Hát Xoan cùng với 3 bài Hát Thờ gồm: Nhập tịch mời vua, Thơ nhang và Đóng đám. Toàn bộ những bài này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. Anh đã chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị thu âm từ Hà Nội di chuyển về Phú Thọ và triển khai phòng thu dã chiến ngay tại nhà bà trùm Phường Xoan Thét. "Thu âm Hát Xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này", Phan Thanh Cường chia sẻ.

Chia sẻ về lý do chọn các nghệ nhân Phường Xoan Thét tham gia dự án, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho biết: Thét là một trong 4 phường xoan gốc có vị trí đặc biệt quan trọng đối với nguồn gốc hình thành và quá trình nuôi dưỡng, phát huy nghệ thuật Hát Xoan của dân tộc. Một mặt khác, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long là người có duyên với Hát Xoan. Trong hành trình âm nhạc của mình, ông đã nhiều lần thực hiện các dự án giới thiệu Hát Xoan cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho tỉnh Phú Thọ và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1 và VTVcab). Lần đầu tiên vào năm 2013 thực hiện bộ 02 DVD "Hát Xoan Phú Thọ - 26 bài xoan cổ" do Nhà nước đặt hàng, Nhà xuất bản Âm nhạc - Dihavina thực hiên. Ở thời điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long chọn từ 4 phường Xoan các bài thể hiện độc đáo nhất để thực hiện chung trong một sản phẩm được đầu tư cả về âm thanh cũng như hình ảnh. Những lần thực hiện sau, hầu như cũng là các dự án tổng hợp 4 phường hoặc 2 phường xoan.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long và các nghệ nhân Hát Xoan

Như vậy có nghĩa là chưa có một dự án nào được thực hiện chỉ duy nhất với một phường xoan. Trong khi đặc thù của nghệ thuật dân gian là tính dị bản, dẫu có thể vẫn cùng một bài, cùng tên gọi cùng những nét giai điệu cũng như nội dung ca từ đặc trưng nhưng ở trong đó lại có một vài nét riêng khác biệt. Chính vì vậy, lần thực hiện dự án này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long quyết định chọn chỉ duy nhất một phường để thực hiện trọn vẹn 13 quả cách trong Chặng Quả cách của Hát Xoan. Đáng nói, việc làm này đánh dấu lần đầu tiên trọn bộ 13 Quả cách do một phường thể hiện được giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Bên cạnh đó, việc chọn các nghệ nhân Phường Xoan Thét còn bởi phường hiện có nhiều nghệ nhân uy tín, bản thân nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cũng đã làm việc với các nghệ nhân từ dự án âm nhạc đầu tiên (2013). Hơn nữa, các nghệ nhân đều được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với Hát Xoan, chẳng hạn như Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga có cả bố mẹ đều là nghệ nhân uy tín thuộc Phường Xoan An Thái, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngà có mẹ là cố nghệ nhân Lê Thị Tú, một trong những nghệ nhân tạo được ấn tượng lớn nhất đối với cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long cho tới tận thời điểm này khi làm việc với Hát Xoan.

Tham gia dự án lần này là các nghệ nhân xuất sắc của Phường Xoan Thét đồng thời cũng là của nghệ thuật Hát Xoan hiện nay gồm: Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhàn. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết, kép xoan trẻ Nguyễn Minh Trí (sinh năm 2005). Điều này cho thấy tính kế thừa và tiếp nối còn được hiện hữu tại Phường Xoan Thét.

Đồng hành cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long trong ekip thực hiện có nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường đảm nhận phần tổ chức sản xuất và thu âm, mix, master. Biên tập viên, MC Hoàng Chung đảm nhận phần biên tập kiêm ghi hình, hậu kỳ, dựng các tác phẩm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, còn có sự đồng hành cố vấn của nhạc sĩ Tùng Lâm (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Thọ)./.

An An

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Đăng ngày 23/03/2024