Gắn bảo tồn di sản Lượn Cọi của người Tày với phát triển du lịch ở Bảo Lâm - Cao Bằng

Cập nhật: 12/04/2024
Với những giá trị văn hóa độc đáo riêng có, nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng người Tày, đồng thời mở ra cơ hội để huyện Bảo Lâm khai thác tiềm năng hướng tới tạo dấu ấn riêng cho du lịch địa phương.

Một buổi sinh hoạt, tập luyện của CLB Lượn Cọi xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm, Bảo Lâm. (Ảnh: Bảo Bình)

Đam mê điệu Lượn Cọi truyền thống

Lượn Cọi hình thành từ cuộc sống lao động, được người Tày ở Bảo Lâm yêu thích, gìn giữ qua nhiều thế hệ, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cúng cầu an, mừng thọ người già, mừng đầy tháng trẻ sơ sinh, giao duyên...

Đều đặn hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Lượn Cọi xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm đều gặp mặt, cùng nhau tập luyện những bài Lượn Cọi tại nhà một thành viên trong CLB. CLB được thành lập từ năm 2022, với 25 thành viên, có độ tuổi từ 25 đến hơn 60 tuổi, tập hợp những người có đam mê hát Lượn Cọi trong xóm. Từ khi thành lập đến nay, CLB thường xuyên duy trì sinh hoạt.

Các bài Lượn Cọi có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, bản làng, mùa màng bội thu, cũng có khi là tâm tư tình cảm, nhắn nhủ, dạy bảo con cái, dãi bày những vất vả trong lao động, những lo toan, ước mơ, niềm tin vào cuộc sống... Những câu Lượn Cọi thắm đượm tình quê hương, từ đời này qua đời khác đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Tày nơi đây.

Dù làm nhiều ngành nghề khác nhau, bận rộn với công việc, nương rẫy, nhưng anh, chị em đều nhiệt tình tham gia sinh hoạt CLB. Mỗi khi gặp nhau, các thành viên lại cùng trao đổi những làn điệu Lượn Cọi mới sưu tầm được, hoặc say sưa tập luyện cùng nhau những điệu Lượn Cọi ngọt ngào, mượt mà, đi vào lòng người để biểu diễn vào những dịp Tết, lễ hội của cộng đồng, các sự kiện của xóm, xã, tạo nên không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết.

Hát Lượn Cọi đòi hỏi người hát phải có chất giọng sáng, khỏe, biết luyến láy, lấy hơi sao cho khi hát phải truyền cảm, nhằm bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe. Mỗi cuộc hát Lượn Cọi thường diễn ra theo trình tự, người này tiếp lời người kia.

Chị Bế Bích Xuân - xóm Tổng Ngoảng, xã Quảng Lâm cho biết: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ hát ru bằng làn điệu Lượn Cọi. Khi lớn hơn tôi thường xuyên được nghe các cô, chú hát Lượn Cọi, nên tôi đã tập hát theo, rồi được mẹ dạy cho. Mấy chục năm nay tôi vẫn duy trì hát Lượn Cọi ở địa phương”.

Tương tự, anh Dương Văn Khuyên, cùng xóm Tổng Ngoảng cho hay, từ nhỏ anh đã được nghe người lớn hát và không biết từ lúc nào điệu Lượn Cọi đã ngấm vào tâm hồn, trở thành niềm đam mê của anh. Tham gia CLB, anh thường xuyên cùng các anh, chị em CLB đi hát Lượn Cọi ở đám cưới, vào nhà mới, mừng thọ người già, biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng, Ngày hội Đại đoàn kết…

Người Tày huyện Bảo Lâm không chỉ lưu giữ những làn điệu Lượn Cọi cổ, mà còn sáng tác những bài Lượn Cọi mới, để phù hợp với nhịp sống ngày nay. 

Những cuộc hát Lượn Cọi của người Tày ở Bảo Lâm diễn ra tự nhiên trong đời sống thôn bản. (Ảnh: Phương Thảo)

Gắn bảo tồn Lượn Cọi với quảng bá du lịch

Chị Hoàng Thị Duyên - Phòng Văn hóa và thông tin huyện Bảo Lâm cho biết: Thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã có nhiều cách làm để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của làn điệu Lượn Cọi như: Thành lập mới 30 đội văn nghệ dân ca trong đó có Lượn Cọi; hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, xóm vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có Lượn Cọi (từ vốn hỗ trợ Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). 

Cùng với đó, huyện còn khuyến khích, động viên các nghệ nhân tham gia các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ, phát huy làn điệu này qua các sự kiện, lễ hội của địa phương.

Biểu diễn Lượn Cọi của Đội văn nghệ quần chúng xã Quảng Lâm tại một lễ hội truyền thống ở Bảo Lâm

Với những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có, năm 2023, nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã: Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người Tày Bảo Lâm, khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa truyền thống dân tộc Tày nói riêng, các dân tộc anh em trên địa bàn Bảo Lâm nói chung trong nền văn hóa dân tộc.

Lượn Cọi được vinh danh là cơ hội, tiềm năng để Bảo Lâm đưa vào chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ông Lâm Mã Gia Hãnh - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cổ vũ, động viên các nghệ nhân và đồng bào phát huy vai trò chủ thể tích cực gìn giữ và bảo tồn di sản trong cộng đồng. Đẩy mạnh quảng bá, phát huy giá trị di sản Lượn Cọi gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá di sản của Bảo Lâm, hình ảnh, tin, bài về Lượn Cọi được quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử từ huyện đến các xã, thị trấn, các trang mạng xã hội Facebook, Youtube… 

Lượn Cọi cũng được đưa vào biểu diễn trong những sự kiện, lễ hội, ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện. Huyện cũng xây dựng một số tour du lịch cộng đồng có lồng ghép biểu diễn Lượn Cọi cho du khách thưởng thức… nhằm giới thiệu, quảng bá di sản đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần phát huy giá trị của Lượn Cọi gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Thanh Thuận

Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 12/4/2024