Điện Biên: Đổi đời nhờ làm du lịch cộng đồng trên chiến trường xưa

Cập nhật: 19/04/2024
Ngay khi mùa lễ hội hoa ban trên vùng lòng chảo Tây Bắc vừa mới bắt đầu, Bản văn hóa Phiêng Lơi, tỉnh Điện Biên đã đông kín khách, rất khó còn chỗ trống nếu không đặt từ trước 2-3 tuần.

Và cho đến những ngày tháng 4 lịch sử, hằng ngày từng đoàn người đổ về Điện Biên khi tâm điểm tuần lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử chưa bắt đầu, khu du lịch cộng đồng của bản lúc nào cũng tấp nập. Bà chủ Xuyến, miệng luôn nở nụ cười, nồng nhiệt rót những ly rượu đãi khách. Từ lâu, đây là một điểm đến được rất đông du khách tìm đến, để tìm hiểu văn hóa ẩm thực, nghệ thuật của người Thái.

Biểu diễn nghệ thuật tại bản Phiêng Lơi, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Khi cả bản dồn sức làm du lịch

Nằm trên địa bàn xã Thanh Minh, Phiêng Lơi “án ngữ” ngay cửa ngõ vào trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Chỉ cần vượt qua cây cầu treo nhỏ, ngay lập tức du khách đã được đắm mình trong một không gian đậm đặc… màu truyền thống. Bên dòng Nậm Rốn hiền hòa, những nếp nhà mái Thái nằm nép mình bên rặng cây xanh. Mùi lúa chín, mùi cỏ ngậm sương mỗi sớm mai, hương hoa như có như không… khiến tất cả trong một chốc có cảm giác như lạc vào một miền bình yên hiếm có.

Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ hiện có 7 bản văn hóa du lịch có đủ điều kiện để đón tiếp và phục vụ khách du lịch tại bản. Đến đây du khách sẽ được giao lưu văn hóa, nhảy sạp, múa xòe, uống rượu cần, nghe hát dân ca Thái, thưởng thức các món ăn dân tộc... Du khách muốn ngủ lại, gia chủ sẵn sàng chăn ấm, nệm êm để phục vụ khách quý.

Bà chủ Xuyến, mặc áo chẽn trắng, đầu vấn tóc cao theo kiểu cổ truyền, cười rộ lên như hoa ban chính mùa rồi dẫn chúng tôi lên căn nhà sàn nhỏ nằm ngay đầu bản. Bên trong, những bát rượu ướp hoa, mâm xôi ngũ sắc, cá suối pa pỉnh tộp… đã được bày biện gọn gàng. Du khách nhanh chóng được hòa mình trong những điệu xòe Thái rực rỡ sắc màu. Trong căn nhà sàn nhỏ xinh, câu hát thay cho lời mời của những cô gái Thái sẽ đưa du khách đến với các món ăn dân tộc mang hương vị núi rừng như món xôi Coong, xôi vò lá màu, thịt xiên nướng, cá nướng, gà đồi hấp bí đỏ, gà đồi tẩm ướp gia vị nướng… Tất cả đều do những bàn tay khéo léo của những đầu bếp tại các hộ gia đình của bản chế biến phục vụ du khách.

Bên ly rượu nồng hương rừng, bà chủ Xuyến kể, trước đây, bà con Phiêng Lơi chủ yếu sống bằng nghề nông với thu nhập không cao. Chẳng ai nghĩ tới việc sẽ làm du lịch, dẫn tour hay đón khách.

Thế nhưng, tất cả đã thay đổi nhờ hướng đi mới dựa trên cơ sở khôi phục, bảo tồn lễ hội, ngành nghề truyền thống... Đây cũng chính là cách làm mới, bền vững để giúp người dân vừa có sinh kế, vừa hiểu được giá trị văn hóa của dân tộc mình và biết cách giữ gìn, phát huy truyền thống của cha, ông để lại, giữ gìn được môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xuyến - cô gái Thái hoạt động nhiều trong các nhóm văn nghệ bấy giờ nhận được sự khích lệ lớn của các thầy, trong đó có lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia văn hóa. Cùng các chị em trong bản, cô được hướng dẫn cách làm du lịch bài bản và chuyên nghiệp.

“Chúng tôi được học nấu những món ăn Thái cổ truyền bài bản. Các chị em được dạy múa hát, truyền nghề. Dần dần từ vài người, giờ bản có 2 đội văn nghệ, hoạt động thường xuyên phục vụ du khách”, Xuyến kể.

Sau 3 năm vừa học, vừa làm và chật vật duy trì mô hình, Phiêng Lơi dần trở mình mạnh mẽ. Bà chủ người Thái cũng trở nên tự tin hơn vào lựa chọn của mình, bởi “một liều, ba bảy cũng liều. Lúc đầu thì mọi người dị nghị lắm, sóng gió nhiều. Nhưng mình cứ làm và làm thành công thì giờ nhiều người lại học theo mình”.

Đổi đời nhờ... homestay

Cách thành phố chừng 30km, bản văn hóa Che Căn những năm gần đây cũng trở thành điểm đến lý tưởng với du khách. Nằm thoai thoải trên ngọn đồi sát khu di tích Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Che Căn có nhiều lợi thế để khách du lịch vừa thăm di tích, vừa nghỉ dưỡng, tĩnh lặng ngắm không khí trong veo, bình yên của mảnh đất anh hùng lịch sử.

Lễ hội Té nước độc đáo tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thu hút đông đảo du khách vào dịp tháng 4 lịch sử.

Chúng tôi đến homestay Phương Đức đúng lúc đoàn khách nước ngoài đến ăn tối và nghỉ ngơi sau hành trình dài từ Lai Châu đến Mường Phăng. Trải qua nửa vòng cung Tây Bắc, các vị khách thích thú khi được tận hưởng buổi chiều êm ả, thanh bình ở bản Che Căn, tìm hiểu về bản sắc văn hóa bản địa.

Lò Văn Đức, chủ homestay Phương Đức, bản Che Căn, xã Mường Phăng và vợ Cà Thị Phương đều là người Thái. Năm 2018, cả hai quyết định tìm cách thoát nghèo từ mô hình du lịch cộng đồng đầy mới mẻ với số vốn vỏn vẹn chưa đầy 100 triệu đồng.

Nhớ lại, Đức cười rổn rảng kể: Năm đó, anh được Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên cho đi thực tế cách làm mới tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Lần đầu tiên trong đời, chàng trai đất Mường Phăng được nhìn cách người ta biến ngôi nhà sàn thành nơi ở cho khách nước ngoài; thấy cách chủ nhà nấu ăn, múa hát cùng những “ông Tây” trong ánh lửa bập bùng cháy.

Trong 4 ngày, Đức học được “đủ thứ”. Rồi anh chợt nghĩ, tại sao mình ở một nơi nhiều lợi thế như Mường Phăng mà không làm được. Làm ruộng mãi cuộc sống bấp bênh, biết bao giờ mới tích cóp được tiền lo cho con cái?

Đức quyết định sẽ phải “đánh liều”. Anh về bàn với vợ, bán thóc gạo, vét sạch tiền trong nhà rồi đi vay bố mẹ, vay thêm cả ngân hàng thêm 170 triệu đồng để đầu tư. Dưới sự giúp sức của cán bộ Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh, Đức tu sửa lại 2 căn nhà sàn cổ, xây dựng khu vệ sinh khang trang, mua chăn ga, gối đệm, học nấu ăn… để bắt đầu hành trình mà người dân bản từng gọi là “điên rồ”.

Vào thời điểm Lò Văn Đức "khởi nghiệp", theo thông tin từ Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD), trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số homestay, nhưng đều theo hướng tự phát, không có quy chuẩn thống nhất.

Ở Mường Phăng, chưa ai từng làm như Đức. Cũng chẳng có người nào vì một tương lai… xa ngái mà mắc nợ đến cả trăm triệu đồng như anh. Nhưng Đức vẫn cặm cụi làm. Sau gần 1 năm, khoảng đất nhỏ ở Che Căn đã thành hình với nếp nhà nhỏ, vườn hoa xinh. Cây đào rừng trái nhà cũng nở bừng hoa đầy hy vọng.

Nếp nhà sàn Thái cổ bình yên tại bản Che Căn, xã Mường Phăng.

Bữa đó, những vị khách đầu tiên, thông qua “dẫn mối” của Trung tâm phát triển cộng đồng tỉnh đã tới. Đức vừa nấu cơm, vừa rụt rè. Khách nói to cũng sợ.

“Khách gọi mới dám bê đồ, chưa biết giao lưu rượu như thế nào, thậm chí uống 1-2 chén đã say tới hôm sau”. Nhưng sau cơn say đó, sáng tỉnh dậy, được đoàn 12 khách khen nấu ngon, Đức mơ màng hạnh phúc. “Đây là cần câu cơm của mình rồi”, anh chàng dân tộc Thái thật thà chia sẻ.

Cũng từ đây, Đức tin rằng mình có thể làm được, và làm tốt. Fanpage Phương Đức Homestay Mường Phăng, Điện Biên dần nhanh chóng trở thành từ khóa của những người thích du lịch trải nghiệm tại mảnh đất này.

Những căn homestay... đổi đời ở Che Căn.

5 năm qua đi, cả Xuyến và Đức giờ đã trở thành “lão làng” trong lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng. Trung bình mỗi tháng, homestay Phương Đức đón từ 10-15 đoàn khách đến từ khắp các nước Pháp, Anh, Mỹ, Italia, Úc… Có thời điểm, 2 căn nhà sàn tại Che Căn của anh chật kín người. Càng tới gần lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lượng khách càng trở nên đông đúc hơn.

“Những lúc phải phục vụ đoàn đông, chúng tôi sẽ nhờ bà con trong xóm phục vụ làm cơm, dọn dẹp phòng ở để tạo thêm thu nhập cho xóm làng”, Đức vừa cười, vừa kể.

Cũng giống như ở Phiêng Lơi, Che Căn cũng thành lập và duy trì 2 đội múa để phục vụ du khách có nhu cầu. Đức nhẩm tính nhanh: Một mâm cơm với đủ các món ăn như gà bản nướng hoặc luộc, gà hấp lá chanh, vịt bản, lợn cắp nách, nộm hoa ban, da trâu nộm hoa chuối, canh bon da trâu, cá pỉnh tộp chép hoặc rô phi… dao động từ 900.000-1,5 triệu đồng. Một buổi biểu diễn nghệ thuật của dàn diễn viên múa hát trong bản khoảng 1 triệu đồng. Nhờ cách làm này, vợ chồng Đức không chỉ đổi đời mà còn mang đến việc làm cho nhiều bà con trong bản.

Chỉ tay ra cánh đồng bát ngát trước mặt, Đức bảo đang tính tiếp tục vay tiền để mở thêm 3-4 bungalow để phục vụ cho các cặp đôi đến nghỉ dưỡng. “Tre, gỗ có sẵn trên bản rồi, chỉ đầu tư trung bình 80 triệu đồng/căn. Chung quanh sẽ tạo những vườn hoa để thu hút du khách”, Đức bảo.

“Trước đây làm ruộng một năm giỏi lắm thu nhập được 70 triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Giờ làm homestay, thu nhập tăng gấp 2-3 lần. Mỗi thành viên trong nhóm múa hát cũng có thêm khoảng 1 triệu/tháng. Nhiều người trước đây nghi ngờ, bây giờ cũng đến học cách mở homestay”, Đức vừa nói, vừa cười. Tiếng cười nghe ra nhẹ bẫng một niềm vui trong vắt cuối chiều Tây Bắc…

Nội dung: Hồng Minh - Thiên Lam - Sơn Bách
Ảnh: Nhật Quang - Thành Đạt - Thủy Nguyên - Nam Nguyễn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 24/3/2024