Khai thác tiềm năng du lịch của Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

Cập nhật: 10/05/2024
Với Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội trong quá khứ, tỉnh Điện Biên có lợi thế trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là khách nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa.

Đồi A1 - chứng tích oanh liệt của quân và dân ta cách đây 70 năm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Phương Liên

Về ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược quy mô lớn, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của trận quyết chiến chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đến thành công của Hội nghị Genève, đưa cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi vĩ đại”.

Các chứng tích trong cuộc chiến cách đây 70 năm nay đã trở thành quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, trải dài trên lòng chảo Điện Biên bốn bề là núi rừng bao bọc với chiều dài 18km, chiều rộng 6km. Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được hình thành từ hai hệ thống. Một là, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do địch xây dựng, cũng là mục tiêu tấn công của quân ta, nơi ghi lại những chiến công oai hùng của quân đội ta, bao gồm các di tích: Đồi A1, D1, D3, C1, C2, hầm De Castries, cầu Mường Thanh, đồi E1, đồi Him Lam, di tích hận thù Noong Nhai, đồi Độc Lập, đồi Noong Bua, các sân bay, cụm cứ điểm Hồng Cúm.

Hệ thống thứ hai là Sở Chỉ huy chiến dịch của quân đội ta tại Mường Phăng, được thành lập ngày 1/1/1954, ở phía Đông cánh đồng Mường Thanh và đóng tại đây cho đến khi kết thúc chiến dịch. Tại đây, đã diễn ra các cuộc họp quyết định trong quá trình tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để đảm bảo bí mật, Sở Chỉ huy quyết định đào một đường hầm xuyên núi, từ lán làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thông với lán làm việc của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Hầm có chiều dài 97m, cao 1,7m, rộng 1,2m. Ngoài lán làm việc còn có rất nhiều các lán nhỏ là nơi làm việc của các Ban: Tác chiến, Chính trị, Hậu cần, Thông tin, khu hầm và lán làm việc của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm; hầm và lán làm việc của cố vấn Trung Quốc.

Không lâu sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 28/4/1962, quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1964, quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích bắt đầu. Năm 1966, toàn bộ khu di tích và nhà trưng bày Chiến thắng Điện Biên Phủ được giao cho UBND tỉnh Lai Châu quản lý. Tiếp đó, đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004), tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành. Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tháng 10/2012, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng trên diện tích 22.000m2, nằm ngay trên đường 7/5 (quốc lộ 279), phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là công trình quy mô hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên. Nơi đây lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh, ảnh tư liệu liên quan đến chiến dịch; mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta để làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc. Bảo tàng mở cửa đón du khách tham quan vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/2014).

Phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch chỉ ra rằng, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Điện Biên trở thành một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa đa dạng, nổi bật là quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây chính là tiềm năng du lịch lớn mà không phải nơi nào cũng có được.

Năm 2024 - kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với việc đăng cai Năm du lịch quốc gia, đây là cơ hội để tỉnh Điện Biên đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu cảnh quan tự nhiên, di tích lịch sử và các nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em đang đoàn kết chung sống trên địa bàn, góp phần phát triển đột phá về du lịch, nâng cao chất lượng các chương trình điểm đến cũng như kết cấu hạ tầng tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Điện Biên với điểm nhấn là Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên rất cần được Chính phủ bổ sung kinh phí để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, đặc biệt là di tích thuộc “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”, trọng tâm là di tích Trung tâm đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu di tích lịch sử - du lịch Mường Phăng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Điện Biên.

Phương Liên

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 08/05/2024