Bình Ðịnh: Bảo tồn đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước

Cập nhật: 10/05/2024
Trong kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học nhằm phát triển kinh tế bền vững.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, địa phương có các hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng; nhất là các vùng đất ngập nước ven biển như đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ. Các khu vực này đã và đang đóng góp quan trọng vào hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Ngoài ra, gần đây, hoạt động du lịch sinh thái tại đầm Đề Gi, Trà Ổ, Thị Nại cũng đang phát triển mạnh. 

Tại khu vực đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), cuối tháng 12/2023 đoàn khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) ghi nhận có 5 cá thể cò mỏ thìa tại khu vực đầm Trà Ổ. Đây là loài chim đặc hữu cho khu vực Đông Á, hiện được xếp hạng nguy cấp trong Danh lục đỏ của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cũng như Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, đoàn khảo sát còn ghi nhận thêm 2 loài chim quý hiếm khác có tên trong Danh lục đỏ IUCN cũng xuất hiện tại đầm Trà Ổ là te mào và choắt mỏ thẳng đuôi đen.

Tại đầm Đề Gi (thuộc địa phận hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ), dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loại động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Đề Gi” do Sở TN&MT phối hợp đơn vị tư vấn triển khai thực hiện từ năm 2021 - 2022. Các chuyên gia của dự án đã thực hiện điều tra, khảo sát bằng nhiều phương pháp khác nhau để xác định các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, các giá trị kinh tế đầm Đề Gi.

Kết quả bước đầu xác định, đầm Đề Gi không có loài đặc hữu, nhưng có nhiều loài động vật quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam (7 loài); Sách đỏ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN (3 loài); 1 loài sẽ nguy cấp, 2 loài ít quan tâm, 1 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ - CP của Chính phủ; 58 loài động thực vật có giá trị kinh tế. Đáng chú ý, các chuyên gia của dự án đã ghi nhận có 14 loài sinh vật ngoại lai; trong đó, có 12 loài được đánh giá có khả năng xâm hại hoặc xâm hại cao tại đầm Đề Gi. Một số tác động do biến đổi khí hậu, hoạt động xả thải ra môi trường, khai thác thủy sản bằng phương pháp mang tính hủy diệt, quá trình đô thị hóa… đã làm tổn thương đến đa dạng sinh học đầm Đề Gi. 

Đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. 

Đầm Thị Nại (thuộc địa phận giữa hai huyện Tuy Phước và Phù Cát) là vùng đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài thủy sinh, chim nước có tính điển hình. Theo số liệu điều tra thống kê năm 2020 của Sở TN&MT qua dự án “Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ”, ghi nhận tại đầm Thị Nại có 141 loài thực vật, 11 loài chim, 7 loài thú, 5 loài bò sát, 101 loài cá và 187 loài động vật không xương sống. Về các loài có giá trị kinh tế, đã xác định ở đầm Thị Nại có 211 loài. Căn cứ theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, đầm Thị Nại có 1 loài nguy cấp, 10 loài sẽ nguy cấp và 1 loài ít bị đe dọa. Đáng chú ý, chình mun, chình hoa đã không còn ghi nhận ở đầm Thị Nại.

Tuy nhiên, tại các khu vực này vẫn còn không ít mối đe dọa đối với hệ sinh thái, nhất là hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Trong đó, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, xiếc máy thỉnh thoảng vẫn diễn ra tại đầm Trà Ổ. Ngoài ra, một số người dân địa phương còn sử dụng lưới bát quái để đánh bắt thủy sản trên đầm. Điều này ảnh hưởng xấu đến sự sinh sôi và phát triển của các loài cá, tôm, cua… Nhiều người còn hành nghề xung điện để khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại. Các đối tượng này khi bị phát hiện thường phi tang tang vật hoặc bỏ trốn nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong tuần tra, truy bắt, xử lý các trường hợp đánh bắt thủy sản trái quy định; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ, nhóm cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực đầm Trà Ổ, Đề Gi, Thị Nại. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sống ven đầm chuyển đổi nghề; cam kết bảo vệ, đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu vực này, chính quyền địa phương tại các xã trên địa bàn huyện Phù Mỹ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân địa phương khai thác, đánh bắt thủy sản đúng quy định. Bên cạnh đó, hằng năm thực hiện thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, bồi hoàn đa dạng sinh học. 

Ngoài ra, UBND huyện Phù Mỹ công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý, bảo vệ, khai thác tại đầm Trà Ổ. Tổ chức cộng đồng được thành lập trên cơ sở tự nguyện; gồm 194 thành viên là hộ dân, cá nhân ở 4 xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng. Việc giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại đầm Trà Ổ là cần thiết. Đây là hướng đi phù hợp, lấy người dân làm nòng cốt trong phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững.

Không riêng huyện Phù Mỹ, thời gian qua, chính quyền các địa phương trong tỉnh và sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, như: Điều tra, khảo sát và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ. Xây dựng thí điểm mô hình truyền thông môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cấp xã tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão)… 

Huyện Tuy Phước phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động người dân sống ven đầm Thị Nại bảo vệ, phục hồi hệ thống rừng ngập mặn để chống xói lở, xâm thực và tạo cảnh quan. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho các loại cá, tôm, cua trú ngụ; giúp người dân địa phương mưu sinh bền vững bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản.

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tại các vùng đất ngập nước được chú trọng triển khai. 

Bảo vệ rừng ngập mặt tại các khu vực đất ngập nước trên địa bàn tỉnh là giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực này. Bình Định với bờ biển dài 134 km, có hai đầm nước lợ có diện tích lớn là đầm Thị Nại (diện tích 5.060 ha) và đầm Đề Gi (diện tích 1.600 ha). Diện tích rừng ngập mặn tại 2 đầm này vốn rất lớn với hơn 1.000 ha trước năm 1975. 

Theo các chuyên gia đánh giá, rừng ngập mặn là một hệ sinh thái đặc biệt ở vùng cửa sông, ven biển, chỉ có ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới với nguồn tài nguyên sinh học đa dạng. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định môi trường, ứng phó với tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và bảo đảm cho tính đa dạng sinh học cao. Ngoài chức năng như lá phổi điều hòa môi trường, còn là nơi ương dưỡng ấu thể động vật thủy sinh, duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản, nơi trú ngụ của nhiều loài dộng vật như chim, cò,..

Nhận thấy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2003 đến nay tỉnh Bình Định thực hiện nhiều giải pháp để nhằm phục hồi và phát triển rừng. Đây là nội dung ưu tiên của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã triển khai mang lại hiệu quả tại các địa phương ven biển.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông đã tuyển chọn, gieo ương và hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có gần 90 ha rừng trồng mới tại các ao hồ nuôi trồng thủy sản bị bỏ hoang, vùng bãi bồi ven đầm Thị Nại và đầm Đề Gi góp phần ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc, tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần chung vào công tác bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng như thực hiện chăm sóc, bảo vệ 86,61 ha rừng ngập mặn trồng thuộc đầm Đề Gi và Thị Nại; trồng 1.000 cây dừa nước phân tán xung quanh Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. 

Đồng thời, tổ chức triển khai 5 lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho cộng đồng dân cư sống ven đầm Thị Nại và Đề Gi, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ thuật bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn.. Ngoài ra, Trung tâm thực hiện những hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn như xây dựng các pa nô, áp phích biển báo bảo vệ rừng, tuyên truyền trên báo chí, qua hệ thống đài truyền thanh tại các xã (02 lần/tuần),…

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 chú trọng mục tiêu các hệ sinh thái tự nhiên; các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn, phát triển bền vững. Duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phòng ngừa ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; đầu tư thiết lập hành lang đa dạng sinh học; thực hiện các dự án về đa dạng sinh học. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Hồng Ngát

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 9/5/2024