Phát triển du lịch thể thao thân thiện với môi trường

Cập nhật: 09/08/2012
Để tạo tiền đề hình thành nên các sản phẩm hấp dẫn du khách cho Bạch Mã sau khi thông đường, một dự án về phát triển các sản phẩm cộng đồng vùng Poitou-Charentes (Pháp) đã đề ra hướng phát triển du lịch thể thao thân thiện với môi trường cho khu vườn quốc gia nổi tiếng này…

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đỉnh Bạch Mã còn là một cứ điểm quan trọng về quân sự. Địa đạo Bạch Mã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc vào năm 2009, trở thành một điểm du lịch sử cách mạng Việt Nam giữa cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn của vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã.

Bạch Mã cách TP.Huế 40km về phía Nam, nằm ở độ cao 1.450m so với mặt nước biển. Khí hậu của Bạch Mã rất đặc biệt, nhiệt độ luôn luôn thấp hơn 7-10ºC so với các vùng xung quanh. Đây cũng là một trong những vùng đất ẩm ướt nhất Việt Nam với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 8.000m. Do độ ẩm quá cao, thời tiết khắc nghiệt nên rất khó khăn khi phát triển du lịch tại Bạch Mã, mỗi năm chỉ có khoảng 2-3 tháng là thời tiết tốt, có thể khai thác du lịch.

Bạch Mã có tiềm năng du lịch đa dạng, tuy nhiên làm thế nào để thu hút du khách cũng như nhà đầu tư vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với nhà quản lý nơi đây. Ông Nguyễn Vũ Linh – Phó Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết: Nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào Bạch Mã, nhưng các dự án đầu tư thương bị vướng vào các quy định riêng của VQG. Ngoài ra, độ ẩm tại đây quá cao nên nhiều dự án bị hủy bỏ. Từng có một tập đoàn lớn lên kế hoạch thuê lại toàn bộ nhà nghỉ tại Bạch Mã để đầu tư xây dựng các khu lưu trú cao cấp tại đây nhưng cuối cùng lại bị hủy bỏ bởi các lý do tương tự.

Trước thực trạng đó, một dự án về phát triển các sản phẩm cộng đồng vùng  Poitou-Charentes (Pháp) đã đề ra nhiều hướng phát triển cho Bạch Mã, trong đó đề cao việc phát triển du lịch thể thao thân thiện với môi trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – Trưởng điều phối viên dự án phía Việt Nam cho biết: Với mục tiêu xây dựng VQG Bạch Mã như một hình mẫu trong việc nâng cao giá trị di sản đặc biệt thông qua công tác diễn giải, phát triển các dịch vụ du lịch và phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu đã đề ra các môn thể thao dựa vào thiên nhiên. Điều này vừa giúp bảo vệ và nâng cao giá trị của môi trường vừa là chìa khóa cho sự phát triển các hoạt động du lịch sinh thái.

Hiện tại, Ban quản lý dự án phía Việt Nam đã phê duyệt các hướng triển khai dự án như: xây dựng ba lộ trình tham quan giải trí trên không, lắp đặt trang thiết bị cho các lối đi bộ và đi lội bộ dưới nước, quy hoạch cho các hoạt động đu dây từ trên thác xuống, thực hiện các nghiên cứu có tính khả thi để triển khai hoạt động mới ở dưới nước và trên không; nghiên cứu để lựa chọn các vật liệu phù hợp, liệt kê chính xác nhu cầu về trang thiết bị; xây dựng một lộ trình giải trí trên không ngắn; suy nghĩ về việc xây dựng một lối đi được diễn giải kết hợp với lộ trình tham quan trên không (khám phá hệ động thực vật và quan sát từ trên cao).

Trong năm 2012, một nhóm gồm bốn chuyên gia Pháp cùng với nguồn nhân lực của địa phương sẽ lắp đặt và xây dựng các trang thiết bị, hoàn thành lộ trình giải trí cho trẻ em trên không gần nhà đón tiếp của VQG Bạch Mã, xây dựng hai lộ trình giải trí trên không; lắp đặt các trang thiết bị tại hai thác; chọn lựa và đào tạo nhiều hướng dẫn viên, hoạt náo viên, chuyên gia về cứu hộ cứu nạn; hướng dẫn các đối tượng này làm quen với các thiết bị mới. Ngoài ra, một chuyên gia Pháp sẽ đào tạo cho cán bộ VQG về công tác cứu hộ cứu nạn và quản lý các vấn đề về sơ cứu; chuyển giao các túi cứu thương và các vật dụng cần thiết…

Được biết, dự án về triển khai các sản phẩm cộng đồng vùng Poitou-Charentes (Pháp) ngoài hợp phần giải trí và du lịch thể thao còn có hợp phần nâng cao giá trị di sản, sản phẩm kiến trúc, hợp phần văn hóa… Dự án không chỉ triển khai tại Bạch Mã mà còn khai thác các vùng lân cận như vùng Nam Đông, Phú Lộc. Ngoài ra, dự án còn được xem là mô hình thí điểm mang tính chuyển giao công nghệ. Các chuyên gia phía Pháp và Việt Nam sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, dự án sẽ hỗ trợ về kinh phí để vận hành các bước phát triển của từng hợp phần. Sau khi mô hình ổn định, dự án sẽ chuyển giao lại cho Ban quản lý vườn và các doanh nghiệp muốn tham gia để từng bước thực hiện mô hình phát triển kinh tế du lịch.

Sau khi kết thúc dự án vào năm 2013, nếu xét thấy mô hình tại Bạch Mã thành công, dự án sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các tỉnh thành khác và một số nước vùng Đông Nam Á. 

Minh Hạnh

Nguồn: Tạp chí Du lịch số 6