Nỗ lực bảo vệ Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh)

Cập nhật: 05/09/2012
Vườn Quốc gia Vũ Quang (VQG) (trước đây là Khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang) thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích hơn 56.000 ha với đặc trưng 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất .

Đây là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, xen giữa VQG Pù Mát ở phía Bắ́c và VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ở phía Nam. Đây chính là nơi hai loài thú lớn được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới là Sao la, còn gọi là dê rừng dài (1992) và Mang lớn (năm 1993).

Với chức năng nhiệm vụ chính là bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng tự nhiên phía Tây Nam khu IV, thuộc dãy Trường Sơn, tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào, VQG Vũ Quang còn góp phần duy trì cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh thuộc khu IV. Ngoài ra, đơn vị còn giúp phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái.

* Tiềm năng đa dạng sinh học

Theo kết quả điều tra của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang có tới 76% diện tích rừng tự nhiên với 5 kiểu chính được phân chia theo các đai cao khác nhau: Rừng kín thường xanh trên đất thấp phân bố ở độ cao 100-300m; rừng thường xanh trên núi thấp phân bố trong khoảng độ cao từ 300- 1000m; rừng thường xanh trung bình ở độ cao từ 1.000 -1.400 m gồm chủ yếu các loài cây lá rộng; rừng thường xanh trên núi cao phân bố ở độ cao 1.400 - 1.900 m gồm các loài cây lá kim, nhưng chiếm phần lớn là các loài họ Côm, họ Dẻ, Long não, Mộc lan. Đặc biệt ở đây còn có loài Du sam; rừng phân bố trên độ cao lớn hơn 1.900 m chủ yếu là rừng lùn với các loài Đỗ quyên, Long não, Côm, Dẻ. Cùng với những loài cây này, VQG Vũ Quang còn là nơi sinh trưởng của nhiều cây gỗ qúy khác như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương... và nhiều cây dược liệu qúy.

Hệ động vật ở đây rất phong phú, theo thống kê có tới 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 65 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư và 88 loài cá; trong đó có 26 loài thú, hơn 10 loài chim, 16 loài bò sát qúy hiếm cần được bảo vệ. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: Voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng…

Bởi tính đa dạng sinh học cao và với việc phát hiện hai loài thú mới là Sao la và Mang lớn, VQG Vũ Quang đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái đầy tiềm năng. Tại đây, du khách có thể thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm, khám phá những bí ẩn bất ngờ của rừng; hay tham gia tour du lịch thể thao đến thác Vũ Môn theo huyền thoại cá chép hóa rồng…

Vũ Quang không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu di tích lịch sử ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ 19. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng Vườn quốc gia Vũ Quang vẫn còn dấu tích của những người anh hùng lưu lại với thời gian như chờ đợi du khách khám phá và tìm hiểu...

*Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Giám đốc VQG  Đào Huy Phiên cho biết: VQG nằm trên địa bàn 8 xã với 7.588 hộ dân (hơn 30.000 nhân khẩu). Đặc biệt, có hai xã nằm trong vùng lõi của VQG là Hương Điền và Hương Quang. Những người dân đã sinh sống tại đây từ những năm 60 của thế kỷ trước, và đến năm 1993 Nhà nước mới đóng cửa rừng chuyển thành Khu bảo tồn. Chính vì tình trạng dân có trước, quy hoạch sau nên đến nay vẫn còn hơn 700 hộ dân đang nằm ngay trong khu vực vùng lõi của vườn. Về nguyên lý là phải di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi khu vực của vườn, tuy nhiên, đến nay, việc này vẫn chưa thực hiện được. Dân sống xen kẽ trong vườn nên tập quán bám rừng theo đó đã được hình thành.

Thêm vào đó, cư dân ở vùng đệm và các xã lân cận với VQG cũng có đời sống rất khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, dân số tăng nhanh. Trong khi đó, giá trị lâm sản ngày càng tăng cao, nhu cầu về gỗ và các sản phẩm về rừng cũng tăng, nhận thức của người dân về pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý động vật hoang dã  còn hạn chế, do vậy một số người dân đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi khai thác trộm tài nguyên rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Trong vòng 10 năm trên địa bàn VQG quản lý đã xảy ra 8 vụ các đối tượng chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho cán bộ viên chức, lực lượng kiểm lâm VQG. Một số vụ hết sức nghiêm trọng, điển hình như: Vụ ở Trạm Kiểm lâm Hòa Hải, nhân viên kiểm lâm bị các đối tượng lâm tặc hành hung gây thương tích nghiêm trọng, hoặc vụ việc ở đội kiểm lâm cơ động trong khi truy đuổi xe chở gỗ lậu từ VQG xuôi về Đường 5, hai nhân viên kiểm lâm đã bị tai nạn khiến một người tử vong tại chỗ, một người bị thương nghiêm trọng ... Hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi xảo quyệt, bất chấp mọi thủ đoạn để luồn lách chống đối các cơ quan chức năng thực thi pháp luật.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn từ việc bị chia cắt sinh cảnh. VQG Vũ Quang hiện nay có hai công trình là đập thủy lợi Ngàn Trười - Cẩm Trang, đập Đá hàn đang xây dựng dẫn đến một số hệ sinh thái thay đổi, chia cắt làm ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển bền vững của các quần thể động thực vật.

 

Thêm vào đó, các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn về biên chế, trang thiết bị và những điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác thực thi pháp luật. Ông Đào Huy Phiên cho biết: Hiện nay, mỗi nhân viên kiểm lâm của VQG chịu trách nhiệm quản lý hơn 1.000 ha rừng, nhất là  ở những vùng sâu, vùng xa thì khó có thể bảo đảm việc bảo vệ rừng tận gốc và bảo vệ ĐVHD một cách chặt chẽ. Nguồn lực và năng lực của đội ngũ thực thi về bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế.

Theo ông Đào Huy Phiên, trong những năm gần đây, VQG Vũ Quang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại đây như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng chống săn bắt các loài ĐVHD bao gồm: Tuần tra tận gốc, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai hoạt động phòng chống khai thác, săn bắt, buôn bán ĐVHD… Ngoài ra, Phòng nghiên cứu khoa học của VQG Vũ Quang đã phối hợp với các tổ chức, các Viện nghiên cứu nhằm triển khai một số hoạt động điều tra, khảo sát các loài như: Ong, Nhện, Dơi, Vượn…, lập ô tiêu chuẩn theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

Cùng với đó là việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng - bảo tồn đa dạng sinh học như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các thôn xóm cho người dân; tổ chức hoạt động giáo dục môi trường cho học sinh các trường thuộc vùng đệm và các khu dân cư lân cận.  Hiện nay, một số dự án đã được thực hiện tại đây như: Dự án đầu tư phát triển VQG Vũ Quang với các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, giao khoán bảo vệ rừng; dự án đánh giá nhu cầu bảo tồn và xây dựng phương án bảo tồn các loài nguy cấp ở VQG Vũ Quang và các xã phụ cận với các hoạt động nâng cao năng lực cán bộ Vườn, điều tra khảo sát xây dựng phương án bảo tồn loài nguy cấp và hướng đến hoạt động ảo tồn liên biên giới.

Tuy vậy, còn nhiều hoạt động của Vườn cần có sự hỗ trợ từ phía  Nhà nước và các Tổ chức xã hội nhằm bảo vệ nguyên trạng VQG Vũ Quang như thực hiện các hoạt động điều tra giám sát các loài động thực vật qúy hiếm gồm các loài thú móng guốc như Sao la, Mang lớn, Bò tót…; các loài linh trưởng như vượn đen má trắng, vượn Siki, Voọc chà vá chân nâu…, khảo sát đàn voi Châu Á ở VQG và đề xuất phương án bảo tồn.

Ông Đào Huy Phiên cũng cho rằng, các hoạt động phát triển cộng đồng cũng rất cần thiết cho công tác bảo vệ VQG Vũ Quang. Việc này sẽ giúp phát triển cộng đồng sinh thái, triển khai các hoạt động quản lý, chia sẽ lợi ích, dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ triển khai các mô hình phát triển kinh tế hộ…Ngoài ra, Vườn cũng đang xây dựng kế hoạch liên kết với các tổ chức quốc tế và phía Khu Bảo tồn Nakai Nam Theun (nước CHDCND Lào ) nhằm trao đổi thông tin, thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới và phát triển, mở rộng vùng phụ cận.

Nguồn: monre.gov.vn