''Giữ lửa'' cồng chiêng trên vùng cao Quảng Nam

Cập nhật: 12/09/2012
Hai huyện Nam Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đang có hai đội cồng chiêng "nhí", gồm các em nhỏ từ bảy đến 14 tuổi. Các em được học đánh cồng chiêng và các điệu múa Ta tung za zá truyền thống của người Cơ tu. Chính các em sẽ là những người lưu giữ nét văn hóa của người Cơ tu nơi đây.

Ðội cồng chiêng "nhí"

Trong lễ hội "Âm vang cồng chiêng" lần thứ hai của huyện Nam Giang vào tháng 3-2012 vừa qua, du khách và những người tham gia lễ hội không khỏi trầm trồ thán phục trước màn biểu diễn của đội cồng chiêng "nhí" xã Zuôih, huyện Nam Giang. Ðội cồng chiêng độc đáo này là các em nhỏ đến từ bốn thôn của xã đã có một màn biểu diễn các điệu múa, điệu cồng chiêng điêu luyện và "chuyên nghiệp". 14 em nhỏ đã phải trải qua một thời gian tập luyện kiên trì, cùng với sự đầu tư của các cán bộ xã, thôn, của các già làng nơi các em sinh sống. Ðể hình thành đội cồng chiêng "nhí" này, các cán bộ xã đã phải mất không ít tâm sức để chọn lọc, tập hợp các em, đến tận gia đình vận động, trực tiếp đưa đón các em, mời các già làng dạy. Ðiều kiện đường sá nơi đây còn nhiều khó khăn, để đi từ thôn này đến thôn kia mất từ hai đến ba giờ đồng hồ đi bộ. Anh Zơrâm Mớu, người trực tiếp đi vận động và quản lý việc tập luyện của các em cho biết: "Với độ tuổi của các em, việc tập cho các em nhớ các động tác, các điệu múa đã khó, để múa cho đúng và đều lại càng khó hơn. Chưa kể việc tập hợp, duy trì lớp học đều đặn, thường xuyên cũng mất khá nhiều tâm sức. Tuy nhiên, khi vào luyện tập thì các em hết sức háo hức và nhiệt tình, nhiều em nằng nặc đòi ba mẹ dẫn đến sớm để được tập luyện".

Khác với đội cồng chiêng xã Zuôih, đội cồng chiêng huyện Tây Giang lại được thành lập từ sớm với 34 em học sinh người dân tộc Cơ Tu đang học lớp 6, lớp 7 của Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện. Người đã nghĩ ra và đề xuất thành lập Ðội cồng chiêng nhí của huyện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang Alăng Sơn. Ông Sơn tâm sự: "Bây giờ, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng với việc các lễ hội, các phong tục truyền thống đang ít dần đi khiến các em nhỏ ít có điều kiện tiếp xúc với văn hóa truyền thống dân tộc mình. Cồng chiêng và điệu múa Ta tung za zá là một trong những giá trị đó. Vì thế, chúng tôi đã thành lập đội cồng chiêng để duy trì điệu múa truyền thống cho các em". Ông Sơn cho biết thêm, ngoài mục đích phục vụ cho các buổi văn nghệ, công diễn, đội cồng chiêng còn là nơi tập hợp các em có năng khiếu để duy trì giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ðể thành lập và đào tạo việc múa, hát, biểu diễn cồng chiêng cho các em, chính những già làng và các cán bộ văn hóa thông tin của huyện trở thành người trực tiếp hướng dẫn cho các em. Tại Tây Giang, mỗi tuần đều đặn hai buổi, sáng thứ 3 và chiều thứ 5, hơn 40 học sinh trường PTDTNT huyện biên giới Tây Giang lại tập trung về Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện để tập luyện. Những bài tập từ đơn giản đến phức tạp đều được các già làng chỉ dạy tận tình. Như đối với nhóm đánh cồng chiêng thì phải đánh đúng theo nhịp, bài và có tư thế hài hòa với nhạc cụ; đối với nhóm "vũ công" phải chú ý đến sắc thái gương mặt, khi nào cất tiếng hú, nhịp nhàng nhấc chân hạ xuống và xoay người nhẹ nhàng mà vẫn giữ vẻ oai vệ, dũng mãnh của một chàng trai Cơ Tu giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng đến khi bắt tay vào luyện tập mới thấy được sự khổ công của cả thầy lẫn trò. "Nhiều buổi tập rất mệt, buổi tối các em còn phải chuẩn bị bài để ngày mai đến lớp, nhưng ý thức được việc giữ gìn bản sắc dân tộc, cùng với niềm tự hào là đội hình tiêu biểu của trường, của thôn, bản, các em đều hào hứng tập luyện hết mình", anh Bríu Lực, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang cho biết.

Cùng múa điệu Ta tung

Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, các em của đội cồng chiêng huyện Nam Giang đã rất nỗ lực và nghiêm túc tập luyện. Nhiều động tác múa, bắt buộc các em phải giữ tư thế trong một lúc, đòi hỏi không ít kỹ thuật lẫn thể lực. Thế nhưng, các em vẫn nỗ lực và ngày càng thích thú với bài dân vũ Ta tung za zá truyền thống. Aviết Thị Hát, bảy tuổi là thành viên nhỏ nhất của đội cồng chiêng xã Zuôih chia sẻ: "Ban đầu em thấy rất khó khăn. Cứ tập mãi điệu múa mà phải giơ hai tay lên và nhún chân nên tay em cứ mỏi, nhưng đến lúc em có thể múa trọn bài thì em lại cảm thấy rất thích". Sau nhiều tháng tập luyện, đội múa cồng chiêng nhí của đoàn xã Zuôih  đã gây bất ngờ cho khán giả có mặt tại đêm hội "Âm vang cồng chiêng" lần thứ 2 tại huyện Nam Giang. Những tràng pháo tay của khán giả đã tạo niềm phấn khởi, cổ động tinh thần cho các em càng yêu thích điệu múa truyền thống của dân tộc mình hơn.

Ðội cồng chiêng nhí Tây Giang đã "thu hút" các em học sinh đăng ký tham gia. Mỗi buổi tập luyện đối với các em là một bài học về tinh thần dân tộc, trở về cội nguồn, gốc rễ của mình. Ploong Thị Nem, lớp 6 trường PTDTNT huyện Tây Giang chia sẻ: "Em nghe nhà trường thông báo sẽ thành lập đội cồng chiêng nên đăng ký tham gia ngay. Em rất muốn múa các điệu múa của dân tộc mình, tập luyện cùng các bạn khác để giữ gìn văn hóa của người Cơ Tu". Ðiệu múa dân vũ Ta tung za zá là nét đẹp truyền thống không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội nào. Nó có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ Tu, thể hiện khát vọng của con người mong muốn vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên. Ðồng thời cũng tỏ lòng biết ơn trời, đất  ban cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Chánh văn phòng UBND huyện Tây Giang Bríu Quân cho biết: "Chúng tôi luôn muốn giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Vì vậy, để mọi thứ không thể mai một, điều cần thiết là phải truyền lại cho lớp trẻ để các cháu biết yêu lấy nét văn hóa Cơ Tu".

Việc đào tạo và dạy các em về bản sắc văn hóa truyền thống ngay từ nhỏ là cách nhìn rất rộng mở, không chỉ giúp các em hiểu về cội nguồn gốc rễ của mình mà còn góp phần gìn giữ văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào Cơ Tu.

Nguồn: nhandan.org.vn