Hội thảo khoa học Then Tày - Nùng - Thái xưa và nay: Kiến nghị đổi tên Hồ sơ trình UNESCO

Cập nhật: 14/06/2013
Ủy quyền cho Viện Âm nhạc kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL để thay đổi tên gọi chính thức của di sản Then được ghi trong Hồ sơ quốc gia trình UNESCO từ Di sản văn hóa phi vật thể nghi lễ Then thành Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam; đồng thời khoanh vùng được nội hàm cơ bản của hồ sơ là những kết quả mà các nhà khoa học cùng đại diện 12 tỉnh, thành có di sản Then trong cả nước đạt được sau 1 ngày làm việc tại Hội thảo khoa học Then Tày - Nùng - Thái xưa và nay tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6.

Đông đảo các nhà nghiên cứu di sản phi vật thể và đại diện của 10/12 tỉnh, thành có di sản Then đã tham dự hội thảo với 18 bản tham luận, trong đó có những tham luận đạt giá trị như một công trình nghiên cứu khoa học, cho thấy sức hấp dẫn của Then, cũng như sự quan tâm dành cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Then là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã tham dự hội thảo.

Theo kết quả khảo sát ban đầu được Viện Âm nhạc chia sẻ trong báo cáo đề dẫn, Then hiện vẫn đang là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái trắng ở 12 tỉnh thành là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái và Đắk Lắk. Nếu xét ở góc độ là một loại hình nghệ thuật biểu diễn thì Then còn có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, khi mà ở nhiều kỳ liên hoan hát Then, đàn Tính còn có sự tham gia của các tỉnh như Đắk Nông và thậm chí là cả TP.HCM. Sự khác biệt của Then ở mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân tộc đã mang đến cho Then một sự phong phú, đa dạng mà không có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có thể đạt tới.

Tại hội thảo, một lần nữa các nhà khoa học thừa nhận định nghĩa: Then là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, tích hợp rất nhiều bộ môn nghệ thuật như văn học, âm nhạc, múa, hội họa, trình diễn. Loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp này lại có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào người Tày, Nùng, Thái. Nhìn nhận Then ở góc độ văn hóa tín ngưỡng, PGS-TS Phạm Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Then là hình thức tín ngưỡng lâu đời của các cư dân Tày - Thái có liên quan đến tín ngưỡng thờ Trời. Người làm then (thầy then) được coi là người có khả năng liên hệ với các vị thần trên mường Trời để cầu xin sự bình an cho con người”. Theo tiến sĩ Phạm Thị Yên, Then có mặt ở hầu khắp các tộc người nói ngôn ngữ Tày - Thái với biểu hiện đa dạng về điện thần, trang phục, dụng cụ hành nghề và hình thức diễn xướng. Ngoài loại nhạc cụ tiêu biểu nhất là Tính tẩu, Then còn có các dụng cụ trình diễn như xóc nhạc, quạt, kiếm, ấn sắc, nhạc ngựa...

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Vi Thị Tỉnh, PGĐ Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Then có một số lượng nghi lễ rất đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường nhật của con người, chẳng hạn: Lễ then cầu yên thực hiện vào dịp năm mới, lễ then giải hạn, lễ then mừng nhà mới, lễ then gửi con, lễ then mừng sinh nhật, lễ then chữa bệnh, lễ then dùng trong tang ma, lễ cúng chuộc hồn, cúng tổ tiên, cắt tiền duyên, cầu cái hái hoa... Ngoài những nghi lễ chính dành cho cộng đồng kể trên, còn có nhiều nghi lễ chuyên biệt thường được tổ chức tại nhà các thầy Then.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định vai trò cốt yếu của các nghệ nhân Then (thầy Then) - những người thực hành nghi lễ trong việc bảo tồn và lưu truyền văn hóa tín ngưỡng Then từ đời này qua đời khác. Thầy Then được coi là một nghề đặc biệt, chỉ dành cho những người có căn số. Để trở thành một thầy Then, người có căn số phải trải qua quá trình học nghề nghiêm ngặt và được làm lễ cấp sắc. Trong quá trình hành nghề, thầy Then cũng luôn phải tu thân và kiêng kị rất nhiều điều. “Phải xem và nghe Then mới thấy phục các thầy Then. Họ giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, miệng hát, tay múa, chân đi nhạc ngựa, mặt diễn xuất... không biết mệt mỏi” - đại diện Sở VHTTDL Lạng Sơn mô tả. Đại biểu này cũng nhấn mạnh đến giá trị văn học trong ca từ của Then: “Ngôn từ của Then có giá trị tượng hình, tượng thanh, có lối so sánh, ví von phong phú, mộc mạc mà giàu hình ảnh... Nội dung các khúc hát Then toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thương đối với con người và thiên nhiên”.

Nhà nghiên cứu Nông Thị Nhình, Viện Âm nhạc thì quan tâm tới giá trị âm nhạc của Then: “Âm nhạc trong Then rất đa dạng, có sự gắn bó mật thiết với văn học, diễn tả nội dung văn học của câu hát một cách tinh tế. Âm nhạc trong Then bao gồm nhạc hát, nhạc đệm, nhạc múa và nhạc không lời, được làm nên bởi cây Tính tẩu, xóc nhạc và âm sắc giọng hát của người trình diễn. Để được trở thành một thầy Then độc lập, người làm Then phải trải qua quá trình học nghề lâu dài, phải đạt tới trình độ cao về nghệ thuật. Họ phải thực sự là một nghệ sĩ dân gian đa tài, giỏi văn thơ, biết múa, biết tự đệm đàn và chơi xóc nhạc trong những nghi lễ mang đặc trưng của dân tộc”.

Sự độc đáo, đa dạng trong nghi lễ và những giá trị nghệ thuật tổng hợp đạt đến trình độ chuyên nghiệp của Then là điều được đông đảo các đại biểu tham gia Hội thảo thừa nhận. Những băn khoăn được đặt ra tại Hội thảo là việc khoanh vùng, tìm ra những phạm vi, nội dung phù hợp của di sản Then để đưa vào Hồ sơ trình UNESCO. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Những di sản tương đồng với Then trong đời sống đồng bào Tày - Nùng - Thái nhưng có tên gọi khác thì có đưa vào Hồ sơ hay không? Then ở một số vùng không dùng Tính tẩu thì có thuộc diện nghiên cứu hay không? Nghiên cứu ở cả 12 tỉnh, thành có Then hay chỉ chọn những địa phương tiêu biểu? Có khai thác khía cạnh văn học của di sản hay không? Nghiên cứu Then ở góc độ không gian văn hóa hay chỉ đơn thuần là “Hát Then”?

Sau một số ý kiến tranh luận, các đại biểu và các nhà khoa học tìm được tiếng nói chung khi cho rằng phải nghiên cứu Then với tất cả những giá trị, hình thức diễn xướng và phương tiện hành nghề vốn có để đảm bảo sự đa dạng của di sản này. Then cần được nghiên cứu theo cả không gian văn hóa, tín ngưỡng chứ không chỉ là một loại hình nghệ thuật như “Hát Then”. Mặt khác, phải nhìn nhận di sản ở dạng vận động, xem xét cả giá trị cổ truyền cũng như sự biến đổi đang diễn ra rất sống động của Then.

Sau Hội thảo, Viện Âm nhạc sẽ thay mặt các đại biểu tham dự kiến nghị với Bộ trưởng Bộ VHTTDL để đổi tên Hồ sơ thành “Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam”, đồng thời Viện sẽ có những chương trình làm việc với các địa phương có Then để có thể tiến hành xây dựng Hồ sơ trong thời gian sớm nhất.

 

Nguồn: : Báo Văn hóa