Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo cảnh quan Hộ thành hào - Kinh thành Huế

Cập nhật: 18/04/2014
Nhằm cải tạo môi trường và cảnh quan khu vực Hộ thành hào, nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc, ĐH Huế đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo Hộ thành hào thuộc hệ thống phòng thủ Kinh thành Huế".

Kinh thành Huế được xây dựng gần 30 năm (từ 1803 đến 1832), là một thành luỹ dài, cao 6,6m, dày 21m với chu vi gần 9.000m. Trên mặt thành ngày xưa có đến 24 pháo đài. Bên ngoài, dọc theo bờ thành có hào sâu bảo vệ. Bốn mặt kinh thành đều được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi gọi là Hộ Thành hào.

 

Tầm quan trọng của Hộ thành hào

Hộ thành hào vốn là hệ thống phòng thủ bằng đường thủy vô cùng quan trọng trong nghệ thuật kiến trúc thành trì xưa. Không chỉ có chức năng bảo vệ cho Kinh thành, Hộ thành hào còn là nơi góp phần “tô điểm” cho vẻ đẹp của kinh đô xưa kia bằng việc trồng sen.

 

Ngoài ra, cùng với hệ thống các hồ khác như hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải…, Hộ thành hào còn có vai trò trong việc điều tiết mực nước, giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập úng và bảo vệ an toàn cho dân cư trong khu vực.

 

Tuy nhiên, dưới những tác động của biến đổi khí hậu như lũ lụt đã làm sạt lở bờ kè, lòng hào bị bồi lắng, các công trình kiến trúc có nguy cơ sụp đổ và hành vi xâm hại, lấn chiếm của con người đã khiến Hộ thành hào dần mất đi vẻ đẹp và chức năng vốn có của nó, thậm chí có thể gây ảnh hưởng và nguy hại đến tính mạng và đời sống của các hộ dân nơi đây.

 

 

Ngày nay, kiến trúc cảnh quan của Hộ thành hào lại càng trở nên quan trọng bởi nó thể hiện bộ mặt của Kinh thành Huế - Cố đô một thời, nay là Di sản Văn hóa thế giới và đặc biệt liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân xung quanh.

 

Những ý tưởng hợp lý

Mục tiêu của việc đề xuất giải pháp cải tạo không gian, cảnh quan Hộ thành hào là áp dụng các phương pháp, nguyên tắc truyền thống, đồng thời đưa ra định hướng bảo tồn hợp lý qua đó phát huy tiềm năng du lịch của thành phố di sản.

 

Yếu tố tiền đề cho việc đưa ra ý tưởng và giải pháp là yếu tố cảnh quan và môi trường thuận lợi. Từ đó, Hộ thành hào sẽ được phát triển thành một không gian mở, nơi tất cả mọi người và cộng đồng có thể giao lưu văn hóa, du lịch, sinh hoạt vui chơi, nghỉ dưỡng…

 

Trong đề tài này, các bạn sinh viên đã đưa ra những phương án như: thành lập những tuyến đường đi bộ bao quanh Hộ thành hào, tạo cảnh quan sống động và tận dụng được cảnh đẹp của Kinh thành; bổ sung những công trình cần thiết cho khu vực như các quán cafe, giải khát (vật liệu của các công trình này sẽ được làm từ tre và có hình thức phù hợp với nhiều công trình cổ hiện có trên khu vực Hộ thành hào); tạo không gian dành cho những trò chơi nhẹ nhàng như cờ vua, cờ tướng; mở cửa hàng lưu niệm và buôn bán các mặt hàng đặc trưng như hoa sen, hạt sen và mở các tuyến phố đêm du lịch ở khu vực Trần Huy Liệu.

 

 

Một đề xuất thú vị được đưa ra là mở tuyến du lịch bằng thuyền cho du khách. Theo đó, khách du lịch sẽ được đi thuyền rồng từ bến thuyền trên sông Hương di dọc theo hai con sông Vạn Xuân và Đông Ba để vào kinh thành. Sẽ có 2 bến thuyền nhỏ được bố trí ở Đông và Tây thành Thủy quan được dùng làm nơi nghỉ chân cho du khách. Từ đây, khách sẽ di chuyển từ thuyền rồng sang những chiếc thuyền nhỏ để tham quan Hộ thành hào - hệ thống sông đào.

 

Giải pháp thực hiện

Để có thể thực hiện được các ý tưởng trên, nhiều giải pháp được đưa ra bao gồm: giải tỏa số dân sống trên Thượng thành và một bộ phận sống lấn chiếm trên Hộ thành hào (trong đó chủ yếu tập trung vào khu vực phía Nam và phía Đông kinh thành); tiến hành nạo vét lòng hào để khơi thông dòng nước, đặc biệt chú ý hai điểm nút giao thông ở hai cống phía Tây và Phía Đông thành hiện đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng; phục dựng Quan tượng đài và tiến hành tu bổ các công trình lịch sử; sửa chữa các đoạn hư hại của tường thành, cầu cống và cổng thành trong khu vực Hộ thành hào; tiến hành kiểm kê, khoanh vùng và xây dựng dự án xây bờ kè, tu bổ hệ thống đồng bộ; xây dựng dự án tiêu thoát nước thải cho TP.Huế, lưu ý đến thủy hệ Kinh thành Huế, khoanh vùng bảo vệ để xây kè tu bổ hệ thống Hộ thành hào.

 

 

Những phương pháp nghiên cứu cần sử dụng là: khảo sát thực địa, điều tra xã hội học, phương pháp phân tích cấu trúc không gian, phân tích tổng hợp và mô hình hóa, tái hiện không gian bằng phương pháp 3D.

 

Ý tưởng xây dựng đề tài nghiên cứu, đưa ra giải pháp tổng thể nhằm cải tạo cảnh quan Hộ thành hào không chỉ là đóng góp thiết thực, mang lại lợi ích cho người dân, tạo thêm điểm dừng chân thú vị cho du khách mà còn góp phần kết nối không gian Kinh thành Huế với cảnh quan hai bờ sông Hương, qua đó phát huy hiệu quả nhất tiềm năng du lịch của thành phố Huế, thực hiện mục tiêu đưa thành phố Huế trở thành thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường trong tương lai gần.

Nguồn: disanxanh.vn