Toạ đàm Bảo tồn và sử dụng bền vững động vật hoang dã

Cập nhật: 23/04/2014
Chiều ngày 22/4, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và sử dụng bền vững động vật hoang dã”. Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến tham dự và chủ trì.

Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành, các viện, trường, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế và các nhà khoa học.

 

 

Buổi toạ đàm là nơi trao đổi cởi mở về các quan điểm từ các chuyên gia, các tổ chức trong lĩnh vực bảo tồn về vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững động vật hoang dã và đưa những giải pháp hiệu quả để tăng cường bảo tồn các loài động vật hoang dã và hướng tới quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và nỗ lực trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Song cũng như xu hướng chung của thế giới, tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng. Nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Một số vụ việc vi phạm bảo vệ động vật hoang dã khiến cho hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế bị ảnh hưởng.

Tại buổi tạo đàm, các đại biểu đã được nghe ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học trình bày tóm tắt kết quả chuyến khảo sát, các bài học kinh nghiệm về quản lý, bảo tồn động vật hoang dã tại Nam Phi. Đồng thời, các đại biểu thảo luận về công tác bảo tồn và sử dụng bền vững động vật hoang dã tại Việt Nam.

 

 

Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương và song phương về bảo tồn đa dạng sinh học. Tháng 12 năm 2012, sau cuộc đối thoại song phương về hợp tác trong cuộc chiến chống lại nạn săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác song phương với Nam Phi về bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ ngày 20- 30/3/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn khảo sát liên ngành tại Nam Phi với mục đích trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã đặc biệt là các loài nguy cấp đồng thời thúc đẩy hợp tác và tăng cường phối hợp trong việc thực hiện Biên bản ghi nhớ và kiểm soát tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép sừng tê giác. 

Nguồn: vea.gov.vn