Từ hồ chứa nước nhân tạo đến hồ sinh thái…

Cập nhật: 26/07/2016
Không chỉ là “túi nước” tích trữ nguồn tài nguyên quý giá cho địa phương, những hồ chứa nước nhân tạo còn có tiềm năng đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên

Hồ Núi Cốc - Thái Nguyên

 

Không gian sinh tồn cho động, thực vật

 

Việt Nam là một trong những quốc gia đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong việc xây dựng hàng loạt hệ thống hồ phục vụ tưới, cấp nước. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã xây dựng khoảng 20 hồ chứa nước nhân tạo trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó phải kể đến những hồ nổi tiếng như: Hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng từ năm 1959-1961; hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên xây dựng từ năm 1973-1982; Hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh xây dựng từ năm 1976-1988; Hồ chứa nước Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh xây dựng từ năm 1981-1985... Không chỉ phục vụ cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, phát điện, cắt lũ và nuôi trồng thủy sản việc xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo đã góp phần bảo vệ phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

 

Theo thống kê của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, các hồ chứa nhân tạo mang hệ sinh thái cao tiêu biểu như hồ núi Cốc (Thái Nguyên) là nơi trú ngụ của 10 loài cá và một số loài chim vào mùa đông. Hồ Hòa Bình – “vịnh Hạ Long trên núi” là ngôi nhà của các loài cá quý nước ngọt. Hồ Cẩm Sơn ở Bắc Giang gắn liền với huyền thoại về những loài cá “khủng”.

 

Về đến miền Trung, hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) có diện tích bề mặt khoảng 30km², độ sâu trung bình 11m (chỗ sâu nhất 29m), dung tích 345 triệu m³ nước. Bao quanh hồ là 11.811ha rừng tự nhiên, 261ha rừng trồng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Đây là khu rừng kín thường xanh phong phú về các loại động, thực vật, trong đó, thực vật chủ yếu là các loại cây lấy gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam như lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung Bộ, bời lời vàng…, các loại cây mộc lan, phong lan đẹp như quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ; động vật có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như: trĩ sao, vượn đen, gà lôi hồng tía, gà lôi lam mào đen, ngan cánh trắng, gấu, tê tê, sóc bay… Với giá trị đa dạng sinh học cao như vậy, hồ Kẻ Gỗ gắn liền với Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của du khách thập phương.

 

Đến với Tây Nguyên, hồ Ialy (Kon Tum) rộng tới 64,5km², dung tích 1,03 tỷ m³, có rất nhiều cá, chủ yếu là cá chép, cá mè và cá lóc. Hồ Đơn Dương hay còn gọi là hồ Đa Nhim - viên ngọc biếc ẩn mình giữa núi rừng cao nguyên cũng là nơi có hệ sinh thái độc đáo.

 

Xuôi xuống miền Nam, hồ Trị An ở Đồng Nai được xem là hồ nước lớn nhất Việt Nam, là nơi sinh sống của các loài cá cơm, cá kìm, cá lăng, cá hoàng đế, cá lóc…Phía thượng nguồn của hồ còn có Vườn quốc gia Cát Tiên - nơi có nhiều thảm thực vật xanh quý còn sót lại với nhiều loài động vật quý hiếm. Hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh cũng rất giàu tài nguyên thủy sản.

 

Bảo tồn và phát triển thành “hồ sinh thái”

 

Có thể nói, một số hồ chứa nhân tạo của Việt Nam đã tạo nên nguồn sống nuôi dưỡng những rừng cây xanh tốt, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú, tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp với môi trường khí hậu trong lành, làm cân bằng lại hệ sinh thái vốn đang bị tác động chưa hợp lý của con người. Điều đó có nghĩa, hồ chứa nước nhân tạo đã đáp ứng được một số tiêu chí để trở thành “hồ sinh thái”.

 

Muốn mang danh “hồ sinh thái”, các hồ chứa này phải đảm bảo các tiêu chí như: Hồ sạch (hồ không bị ô nhiễm, không bị phú dưỡng hóa); có hệ thống kiểm soát môi trường, chất lượng nước; Có vành đai hệ thống cây xanh và thảm phủ thực vật; có cơ sở hạ tầng đồng bộ gắn kết cộng đồng; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững…

 

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hồ chứa đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng nước giữa 2 mùa mưa và khô dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng tài nguyên nước về lượng và chất về mùa khô. Ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Thậm chí, hồ còn bị lấn chiếm, xâm hại.

 

Trước tình trạng này, cần phải nâng cấp và hoàn thiện các hồ chứa đã có, bảo vệ và khai thác hồ chứa theo hướng vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho vùng. Có như vậy, những hồ chứa nước mới thực sự là hồ sinh thái - một tài sản thiên nhiên vô giá, gắn liền với nền văn hóa lịch sử phong phú, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách thăm quan.

 

Thanh Bình

Nguồn: Bộ TNMT