Tạo môi trường thông thoáng cho du lịch Quảng Bình

Cập nhật: 21/03/2017
Là vùng đất có nguồn tài nguyên phong phú với nhiều danh thắng đặc trưng và những di tích lịch sử văn hóa giá trị, bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, Quảng Bình đang từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm tạo bước đột phá, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến
 
Quảng Bình - vùng đất văn hóa cổ gắn liền với văn hóa Bàu Tró có niên đại hàng nghìn năm; với nhiều thế mạnh vốn có và còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn hóa Dương Văn An, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thơ Lưu Trọng Lư... Hấp dẫn với du khách bên cạnh nhiều điểm văn hóa du lịch tâm linh, nơi đây còn có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và biển Quảng Bình đã tạo nên tổng thể du lịch liên hoàn giữa rừng và biển… Tiềm năng là vậy, song bước đường phát triển của du lịch Quảng Bình không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thực tế, sự cố môi trường biển, thiên tai bão lũ thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn diện đối với hoạt động du lịch từ kinh doanh dịch vụ, hình ảnh điểm đến, việc làm, môi trường đầu tư… Song, bằng tất cả tâm huyết, năng lực và nỗ lực, Quảng Bình đã vượt qua những khó khăn, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong tháng 1.2017 đã có 187.802 lượt du khách, tăng 37,6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 5.035 lượt, tăng 59,3% so với cùng kỳ...
 
Giám đốc Sở Du lịch Hồ An Phong chia sẻ, ngành đã luôn đồng hành, sát cánh với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch để tháo gỡ; đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch với nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, bằng những chính sách ưu đãi tạo môi trường thông thoáng, Quảng Bình đã xúc tiến, kêu gọi, huy động các nguồn lực trong xã hội, các dự án lớn đầu tư phát triển ngành du lịch; chất lượng các dịch vụ, nhân lực cũng không ngừng được nâng cao; nhiều doanh nghiệp đã năng động áp dụng các hình thức khuyến mãi, giảm giá các hoạt động nhằm giữ và thu hút khách…
 
Bên cạnh những tín hiệu vui đó, du lịch Quảng Bình cũng còn không ít hạn chế. Bí thư Huyện ủy Phan Mạnh Hùng trăn trở: Mặc dù là địa phương giàu tiềm năng, song sự phát triển du lịch ở Quảng Ninh chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có. Thu ngân sách từ du lịch chưa đáng kể, sản phẩm phục vụ du khách còn đơn điệu, thời gian lưu trú của khách còn thấp, các dịch vụ  phục vụ còn thiếu, công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch chưa được triển khai đồng bộ, thiếu chiến lược lâu dài...
 
Vậy đâu là nguyên nhân? Theo anh Phạm Xuân Trung (Khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình), với tính mùa vụ của du lịch hiện nay, cơ hội để va chạm và tiếp xúc thực tế của nhân lực ngành du lịch còn hạn chế. Còn chị Phan Thị Thắm (Giám đốc điều hành Phong Nha Lake House) khẳng định: Nguyên nhân chính là nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên nghiệp. “Ở TP Đồng Hới còn có cơ hội để tuyển chọn nhân lực đã qua đào tạo; còn ở Phong Nha - nơi được mệnh danh là “trái tim du lịch” của tỉnh nhưng để tuyển dụng được người đã qua đào tạo là rất khó khăn” - Chị Thắm chia sẻ.
 
Du lịch trên địa bàn Bố Trạch, Quảng Bình ngày càng phát triển và đổi mới với đa dạng các loại hình du lịch
 
Thu hút các dự án trong phát triển du lịch
 
Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng nội lực kinh tế còn thấp, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch không cao nên gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trong và ngoài nước. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài chia sẻ: Thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đồng thời tiếp tục thu hút, kêu gọi và tạo điều kiện cho các dự án lớn trong phát triển du lịch cũng như làm tốt công tác quản lý thực hiện các dự án.
 
 Để thực hiện mục tiêu năm 2017 đón 3 triệu lượt khách, trong đó có 80.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng… Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà, Sở sẽ tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch và đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để phát triển du lịch.
 
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Đăng Quang cho rằng: Sở Du lịch cần quan tâm đầu tư thu hút khách, tránh tình trạng mùa vụ trong du lịch; chú trọng chất lượng, giá cả các nhà hàng ăn uống; tăng cường quảng bá, tạo sự hấp dẫn, có chính sách thu hút khách du lịch; tổ chức tốt các lễ hội hang động, lễ hội văn hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ VH, TT - DL, các bộ, ngành, Trung ương để làm tốt công tác truyền thông và định hướng về du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao hiệu quả công tác QLNN về du lịch…
 
Cùng với sự phát triển chung của du lịch miền Trung và Tây Nguyên và nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin rằng trong tương lai không xa du lịch Quảng Bình sẽ vượt qua khó khăn, phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
 
Thời gian tới, Sở Du lịch cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; đầu tư nâng cao chất lượng các tour, tuyến du lịch hiện có. Trong đó, tập trung khai thác hệ thống hang động; chú trọng phát triển du lịch biển; quản lý tốt các điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử văn hóa, quan tâm hơn nữa đến điểm du lịch khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
 
   Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy HOÀNG ĐĂNG QUANG
DIỆP ANH
Nguồn: daibieunhandan.vn