Cầu Long Biên, Hà Nội- không gian văn hóa đặc trưng của Thủ đô ? - Bài 1

Cập nhật: 06/09/2017
Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng mang đậm dấu ấn của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để có thể gìn giữ, phát huy giá trị, biến nó trở thành không gian văn hóa đặc trưng lại là bài toán nan giải chưa tìm được lời đáp thỏa đáng.

Với mỗi người dân Hà Nội nói riêng, cầu Long Biên có ý nghĩa rất lớn bởi đó không chỉ là “chứng nhân lịch sử”, là biểu tượng kiên cường, hiên ngang trong chiến tranh mà còn là “gạch nối” giữa quá khứ và hiện tại và là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà đại diện là nước Pháp.

Cầu Long Biên với tên tuổi đã đi vào lịch sử. Nguồn: BizLive

Có lẽ mệnh danh “cây cầu bắc qua ba thế kỷ” cho đến nay vẫn in đậm mãi trong tâm trí mỗi người. Bao nhiêu năm trôi qua đã có nhiều chiếc cầu mới như cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, song những cây cầu này dường như chỉ đảm nhiệm vai trò giao thông mà không tham gia vào việc góp phần tạo dựng và khắc họa hóa khung cảnh cho con sông bao la vẫn ngày ngày mang dòng chảy giữa lòng đô thị. Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu duy nhất tạo điểm nhấn với hình ảnh vô cùng dễ nhớ trong không gian ít bị chi phối bởi sức hút thị giác của chốn thị thành. Và hơn thế nữa, vẻ đẹp ẩn chứa bên trong cây cầu còn là thử thách cho sức sáng tạo nghệ thuật. Nét giao hòa giữa cổ điển và hiện đại trong kiến trúc của cây cầu tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những người đam mê nhiếp ảnh hay du khách đến với Hà Nội, đem lại cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này để tạo nên những khung hình tuyệt đẹp cho cây cầu đã nhuộm màu thời gian.

Khó ai hình dung nếu một ngày nào đó Hà Nội không còn cầu Long Biên. Có thể nói đó là di sản về kiến trúc hết sức độc đáo không có gì so sánh được. Theo Luật thủ đô, Hà Nội đã đặt vấn đề tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trước năm 1954, không chỉ là bảo tồn vật thể mà còn cần bảo tồn không gian. Như vậy, chỉ với bấy nhiêu lý do đó thôi cũng đủ để nhận thấy rằng khi làm bất cứ điều gì ở cầu Long Biên chúng ta cũng phải ứng xử như với một di sản văn hóa dân tộc để những ký ức đẹp của cây cầu trong lòng người Hà Nội không bị tan vỡ. Hơn nữa, vì đó là một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội nên chúng ta cần tôn trọng, bảo tồn nếu không sẽ có rất nhiều di tích bị bỏ qua hoặc lãng phí một cách đáng tiếc.

Thời gian qua đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về hướng bảo tồn cầu Long Biên. Có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội là mảnh đất có nhiều “báu vật du lịch” mà mới chỉ khai thác được số ít. Cầu Long Biên là một trong số đó nhưng hiện giờ vẫn chưa phô bày được vẻ đẹp và giá trị thực sự của mình. Có lẽ vì thế mà việc khôi phục cầu Long Biên nên được làm theo hướng kết nối du khách, mở rộng hoạt động cộng đồng. Đặc biệt cần tổ chức không gian như thế nào để nối được cầu Long Biên với các không gian đẹp khác gần đó như bãi giữa xanh ngát hay khu phố cổ với phố đi bộ và chợ Đồng Xuân.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi cây cầu được khánh thành nhưng những dấu ấn của quá khứ vẫn như còn lắng đọng trên từng nhịp. Đất nước đã có nhiều đổi thay, thủ đô cũng đang bước đi trên con đường mới và giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn. Cầu Long Biên thực sự là một “di sản sống” mà mọi người cần phải nhìn nhận dưới góc độ đa chiều, đầy đủ, sâu sắc thì mới biết trân trọng và gìn giữ. Còn về những phương án bảo tồn đã từng được nêu ra, tuy ý tưởng mới chỉ là một phần còn cách thức thực hiện nào khả thi để có thể biến thành hiện thực lại là việc khác. Mặc dù chưa có lời giải đáp trọn vẹn nhưng thiết nghĩ điều quan trọng nhất là bảo tồn cần chú trọng đến khả năng hiện thực và đảm bảo tính khoa học chứ không nên lan man trong những ý tưởng xa vời để đặt thêm gánh nặng lên cây cầu vốn đã 115 năm tuổi.

Nguồn: Cinet