Lão nông ở Kiên Giang tái chế rác nhựa thành vật dụng hữu ích

Cập nhật: 08/08/2023
Với ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo léo, một lão nông ở Kiên Giang đã tái chế những sợi dây nhựa buộc gạch thành vật dụng hữu ích, hạn chế chất thải nhựa và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lẹ đan dây nhựa buộc gạch thành nhiều vật dụng hữu ích.

Ý tưởng tái chế dây nhựa buộc gạch được ông Nguyễn Văn Lẹ (78 tuổi), ngụ ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thực hiện từ gợi ý của một người thân làm phụ hồ ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

“Đầu năm 2020, đứa em vợ làm nghề phụ hồ nói với tôi là các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng bỏ dây buộc gạch nhiều lắm, anh có thể lượm về đan thúng, sọt đựng đồ dùng hàng ngày”, ông Lẹ kể.

Nhiều sản phẩm hữu ích được lão nông 78 tuổi đan từ dây nhựa buộc gạch tưởng chừng bỏ đi.

Với kinh nghiệm sẵn có từ nghề đan tre, trúc của người cha truyền lại từ hàng chục năm trước, nay được người em vợ gợi ý, ông Nguyễn Văn Lẹ bắt đầu thực hiện ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích.

Hằng ngày, tầm 4-5 giờ sáng, lão nông 78 tuổi đạp xe đến các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, công trình dựng nhặt những sợi dây nhựa buộc gạch đủ màu sắc về rửa sạch, mang đi phơi nắng. Tầm 2 giờ đồng hồ sau khi phơi, những sợi dây nhựa đã được ông Lẹ tái chế, đan thành những vật dụng hữu ích như giỏ xách, xề, rổ đựng cá, giỏ đựng tôm, sọt đựng trái cây, thúng, chậu hoa kiểng…

Ông Lẹ cho biết, dây nhựa được dùng chằng gạch trong các công trình xây dựng, sau khi sử dụng thường bị cắt bỏ, vứt xuống kênh, mương, gây cản trở ghe, xuồng qua lại, đồng thời gây hại cho môi trường. Dây nhựa buộc gạch có độ cứng, chắc chắn, thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre, trúc để đan thành sản phẩm thủ công, độ bền lại không thua kém. Việc tái chế này cũng gó phần hạn chế thải đồ nhựa khó phân hủy ra môi trường.

“Dây nhựa tôi mang về nếu lành lặn, có màu sắc đẹp thì tôi đan thành vật dụng trong nhà như giỏ xách, sọt đựng trái cây. Riêng những sợi bị dập, hỏng nhiều thì tôi đan thành những chậu hoa kiểng”, ông Lẹ cho biết.

Lồng đèn dùng để trang trí ở các quán cà-phê.

Biết việc ông Nguyễn Văn Lẹ đan dây nhựa buộc gạch thành những vật dụng hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang còn gom số lượng nhiều sau đó gọi ông Lẹ đến lấy. Không những vậy, một số người thân, bạn bè, công nhân lao động ở các công trình xây dựng cũng thường nhặt dây nhựa về cho ông Lẹ đan thành sản phẩm hữu dụng.

Tiếng lành đồn xa, một năm trở lại đây, một số quán cà-phê, nhà hàng tìm đến để đặt hàng ông Nguyễn Văn Lẹ đan lồng đèn, nôm… trang trí.

“Dây buộc gạch sau khi được thu gom về nhà, tôi chà rửa sạch sẽ, loại bỏ bụi, xi-măng còn dính lại, sau đó phân loại theo màu, bó gọn, đan thành sản phẩm khác nhau theo đặt hàng của khách”, ông Lẹ cho biết.

Nhiều người khen các sản phẩm giỏ xách, rổ đựng cá, thúng do ông Nguyễn Văn Lẹ làm ra có độ bền cao, chắc chắn, đẹp không thua sản phẩm hiện bán trên thị trường.

“Trước đây, tôi không tin sản phẩm này được làm từ nguyên liệu bỏ đi vì nhìn đẹp, sạch, có độ bền cao. Cho đến khi tôi biết việc ông Lẹ tận dụng dây buộc gạch bỏ đi để tái chế thành vật dụng có ích, góp phần bảo vệ môi trường, nên đã mua ủng hộ”, chị Phạm Thị Lan, ngụ thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên cho biết.

Sản phẩm để trang trí ở các quán cà-phê.

Giờ sản phẩm giỏ xách nhựa từ dây buộc gạch của ông Nguyễn Văn Lẹ được nhiều người đặt hàng mua. Đó là các thương lái thu mua, vận chuyển trái cây, mua tôm ở tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang bởi độ cứng, chắc chắn. Một số quán cà-phê ở huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đặt mua lồng đèn, đồ dùng cổ xưa để trang trí họa tiết trên tường, treo ở quán cà-phê, cửa nhà hàng…

Chậu trồng hoa kiểng.

“Dù đơn hàng nhiều, tôi phải mất thêm nhiều thời gian đi thu gom, đó là chưa kể dây mang về màu sắc, độ dài ngắn khác nhau, không theo ý muốn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc mua dây mới về đan. Bởi tôi nghĩ, việc tận dụng này là để góp phần bảo vệ môi trường, chứ mua dây mới về đan thì chẳng khác nào làm môi trường thêm trầm trọng”, ông Nguyễn Văn Lẹ bộc bạch.

Sản phẩm tái chế từ dây nhựa buộc gạch có giá từ 35.000 đồng đến 250.000 đồng tùy loại, cũng không phải là thu nhập chính của vợ chồng ông Lẹ, nhưng đây là niềm vui, công việc hữu ích của tuổi già.

“Mặc dù thu nhập từ đan dây buộc gạch không nhiều, nhưng tôi muốn giáo dục con cháu có ý thức sống xanh, giảm rác thải và bảo vệ môi trường sống của chúng ta”, ông Nguyễn Văn Lẹ nói.

Quốc Trinh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 08/8/2023