Tháp Chăm với "ngành công nghiệp không khói" ở miền gió cát (Bài 2)

Cập nhật: 16/10/2023
Trong nền di sản văn hóa Chăm, di sản đền tháp và văn hóa dân tộc Chăm ở vùng gió cát Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn còn nhiều tài nguyên cần khai phá để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.

Tháp Pô Klong Garai ở đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)- được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016. (Ảnh Phùng Hà Trung)

Hơn 20 năm qua, khi du lịch trong nước bắt đầu phát triển, hệ thống các di sản văn hóa Chăm đã có đóng góp khá lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với nền văn hóa này. Các di tích, di sản văn hóa Chăm ở nhiều địa phương đã được khai thác và tạo nên nguồn thu lớn như Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cũng bắt đầu khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch từ văn hóa và đền tháp Chăm ở địa phương.

Hiện nay, du lịch đền tháp hay văn hóa Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận không chỉ thu hút khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu văn hoá Chăm trong những dịp lễ hội, tiếp cận thị trường thổ cẩm. Nhiều du khách trong nước cũng đã quan tâm tới các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm. Cùng với đó, nhiều sức sống từ di sản như làng nghề truyền thống Chăm ở thôn Bàu Trúc, nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm như múa và âm nhạc… là nguồn văn hóa gắn liền với di sản đền tháp nơi đây.

Các thiếu nữ Chăm múa trên tháp trong Lễ hội Katê (Ảnh TL)

Đặc biệt, mùa Lễ hội Ka tê là dịp để tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thu hút hàng ngàn du khách tham quan, du lịch. Đây là Lễ hội có nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc. Các nghi thức, nghi lễ rất đặc trưng và phần hội nhộn nhịp, tạo khí thế lan tỏa, gia tăng tính cố kết gia đình, cộng đồng. Và đây cũng là tài sản văn hóa quý báu, nguồn lực tốt để địa phương khai thác phát triển du lịch.

Chị Nguyễn Như Quỳnh, một du khách đến từ Đà Nẵng cảm nhận: “Ninh Thuận, Bình Thuận hấp dẫn bởi nhiều loại sản phẩm du lịch độc đáo có biển đảo, sa mạc, nông trại, các làng Chăm… mỗi địa danh đều gắn liền với lịch sử văn hóa và đời sống cư dân nên rất thú vị. Ở đây có những câu chuyện xưa về lịch sử khai sinh vùng đất, có những điều bí ẩn tâm linh nơi đền tháp mà đến nay chưa lý giải cùng sự đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ninh Thuận, Bình Thuận hội đủ các điều kiện về khí hậu, văn hóa, thổ nhưỡng cho đến tài nguyên du lịch để trở thành một trung tâm du lịch lớn… Chính điều này đã tạo nên điều đặc biệt thu hút du khách”.

Đồng bào Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp

Một điều đã được khẳng định, đó là di sản văn hóa Chăm là kho tàng đầy tiềm năng cho việc hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang bản sắc riêng có. Tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cần tuân thủ việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương. Khai thác được những giá trị mà tiền nhân để lại, phát huy được văn hóa Chăm, tạo thành nguồn lực kinh tế là điều cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay.

Dư địa du lịch đền tháp tại Ninh Thuận, Bình Thuận còn rất nhiều tài nguyên để khai thác, ngoài mùa Lễ hội Ka tê đã được định danh hằng năm thì tiềm năng văn hóa dân gian Chăm vẫn còn rất nhiều thế mạnh để phát triển du lịch. Người Chăm nơi đây còn có gần 80 lễ hội khác nhau với những sinh hoạt văn hoá cộng đồng thường diễn ra trong năm. Nhiều lễ hội dân gian còn gắn với đền tháp… Các khu Đền tháp Pô Sah Inư (Phan Thiết), đền tháp Pô Đam với nhiều làng Chăm Bắc Bình, hay kho mở Hoàng tộc Chăm, những đền thờ kít vua Chăm kết hợp với các lễ hội dân gian như Ka tê, Ramưwan hay làng nghề gốm, nghề dệt truyền thống của người Chăm cũng là bản sắc riêng để khai thác cho du lịch Ninh Thuận, Bình Thuận.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên đẩy mạnh công tác quảng bá bằng nhiều hình thức và kết nối với các dịch vụ đưa tour, tuyến ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước… Và quan trọng hơn, cộng đồng ở vùng di sản chính là những chủ thể để đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy những giá trị di sản phục vụ cho du lịch.

Trong cuộc sống hối hả và nhiều đổi thay, giữa những ồn ào, đổi mới liên tục thì những di sản, di tích không chỉ lặng im tồn tại mà bằng cách rất riêng vẫn luôn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của phố biển xanh tươi. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và khai thác di sản văn hóa Chăm trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa cho ngành Du lịch khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Đó không phải là kế sách ngắn mà đòi hỏi những chính sách dài hơi để văn hóa Chăm, đặc biệt là du lịch đền tháp "sống dậy" trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Một số địa phương như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang làm rất tốt việc khai thác văn hóa và di sản văn hóa của đồng bào Chăm để phục vụ du lịch. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá, cũng như xây dựng những loại hình du lịch, những tour tuyến mà văn hóa của đồng bào Chăm và đền tháp trở thành điểm du lịch chính. Từ đó tạo nên sức sống mới cho đền tháp, thu hút đầu tư, mang lại lợi nhuận kinh tế xanh và tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Tiêu Dao

Tháp Chăm - Di sản sống trong dòng chảy văn hóa (Bài 1)

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 15/10/2023