Hãy học cách bảo vệ môi trường của người nước ngoài

Cập nhật: 30/10/2012
Thời gian qua, người dân Thủ đô đã quen với hình ảnh những người nước ngoài nhẫn nại nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây. Chính cử chỉ cao đẹp đó đã tác động tới nhận thức bảo vệ môi trường của người dân Hà Nội.

Từ đó, nhiều người không chỉ thay đổi thói quen xả rác bừa bãi, mà còn tham gia vào các hoạt động dọn rác bảo vệ môi trường.

Trái với thói quen bạ đâu xả rác đấy của rất nhiều "người Hà Nội”. Từ một năm nay, cứ mỗi sáng Chủ nhật, bên Hồ Hoàn Kiếm lại xuất hiện một người đàn ông dáng vẻ hiền lành kiên nhẫn nhặt từng mảnh rác. Nhiều người khi thấy ông cặm cụi nhặt rác thì cho rằng người đàn ông này hơi... không bình thường. Nhiều người tò mò đứng lại không phải để giúp nhặt rác, mà để xem ông có biểu hiện tâm thần hay không. Trông ông không có gì đặc biệt mà cũng giống như nhiều người dân Việt Nam khác. Nhưng ông là Ninomiya, một doanh nhân người Nhật. Khi biết ông là người nước ngoài, nhiều người còn hoài nghi: "Tây mà cũng nhặt rác ư?...”.

Với tác phong nhanh nhẹn, ba lô rất gọn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt chăm chú tìm nhặt rác, đôi lúc cúi gập cả người xuống gầm ghế đá ven hồ để cố moi lấy từng bã kẹo cao su được "dán” dưới ghế, những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất, hay vỏ chai nước lăn lóc mà ai đó đã cố tình ném vào. Hành trình của ông Ninomiya bắt đầu từ đầu phố Đinh Tiên Hoàng, rồi quanh Hồ Gươm. Nhìn tác phong chăm chỉ, cần mẫn khi ông nhặt rác, không ai có thể hình dung ra ông lại là giám đốc một doanh nghiệp thành đạt tại Nhật và đang làm ăn buôn bán ở Việt Nam. Ông là Giám đốc công ty Ishigaki Rubber Vietnam có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên. Ông Ninomiya tâm sự rằng, việc nhặt rác quanh Hồ Gươm vào sáng Chủ nhật hàng tuần là xuất phát từ tình yêu Hà Nội, yêu nét đẹp của Hồ Gươm nên muốn góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường Thủ đô ngày càng xanh- sạch - đẹp.

Hãy yêu từ những việc nhỏ nhất

Đến nay, ông Ninomiya đã có "thâm niên” 1 năm nhặt rác tại hồ Hoàn Kiếm. Từ ý thức bảo vệ môi trường của ông Ninomiya, nhiều người cảm phục và học theo. Nếu như ban đầu, ông Ninomiya chỉ làm một mình thì đến nay "đội nhặt rác” của ông đã có khoảng 50 thành viên, trong đó có khoảng 10 người Nhật, 5 người Trung Quốc và không ít bà mẹ đưa cả con nhỏ của mình cùng tham gia. Ông Ninomiya cho biết, tất cả những người Nhật tham gia nhặt rác tại hồ Hoàn Kiếm đều là nhà đầu tư hoặc chuyên gia kỹ thuật đang làm việc tại Hà Nội. Trong nhóm cùng doanh nhân người Nhật nhặt rác, người đã đi làm, người là sinh viên nhưng sáng Chủ nhật nào cũng vậy, họ cùng Ninomiya tay cầm túi nilon, tay cầm kẹp cùng nhau ra Hồ Gươm để... nhặc rác. Chỉ 30 phút mỗi sáng Chủ nhật, nhưng mỗi người tham gia cũng nhặt được một túi rác khá to và nặng tới vài kg.

Không chỉ có ông Ninomiya và nhóm của ông nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm, mà còn rất nhiều người nước ngoài cũng có ý thức bảo vệ môi trường Hà Nội bằng việc làm thiết thực là nhặt rác ở Hồ Tây và một số tụ điểm đông người khác. Chẳng hạn như "Ngày làm sạch Hồ Tây” là hoạt động hưởng ứng "Ngày Trái Đất” do một trường quốc tế tại Hà Nội tổ chức, có phụ huynh học sinh nước ngoài và người Việt tham gia. Năm 2011, chương trình thu hút hơn 200 người, năm 2012 lên tới hơn 400 người. Dù là người Pháp, Đức hay Tây Ban Nha nhưng họ đều thực sự cảm thấy vui khi tham gia vào hoạt động hết sức có ý nghĩa bảo vệ môi trường như thế này.

Chị Vân - công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, nếu muốn sạch rác ở Hà Nội thì "đội nhặt rác” của ông Ninomiya và những người nước ngoài có ý thức khác phải làm thường xuyên, hàng ngày. Bởi theo kinh nghiệm của chị Vân, ý thức của người dân không cao luôn xả rác bừa bãi nên cứ dọn xong một lúc là lại đầy rác thải. Sáng sớm những người đi tập thể dục, ăn sáng rồi vứt rác luôn ra đấy. Rồi nhiều người ra hồ chơi, ăn xong cũng bỏ rác xuống ngay cạnh. "Nếu như chỉ đi nhặt rác mà không tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân thì nhặt chẳng bao giờ xuể. Nếu yêu Hà Nội thì xin mọi người hãy thể hiện bằng hành động cụ thể, dù là nhỏ nhất để bảo vệ cho Thủ đô của chúng ta luôn xanh - sạch - đẹp...” - chị Vân nói.

"Hãy hành động trước khi quá muộn” - đó là thông điệp "cửa miệng” khi người ta tuyên truyền bảo vệ môi trường. Nhưng xin hỏi đã có mấy ai, kể cả các "chuyên gia bảo vệ môi trường” có những hành động cụ thể như ông Ninomiya? Thiết nghĩ, hành động của ông Ninomiya và "đội nhặt rác” của ông mới là thông điệp dễ đi vào lòng người nhất, thiết thực nhất để bảo vệ môi trường. Nếu người dân nào cũng có ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất như nhặt rác thải giống ông Ninomiya, hoặc chí ít cũng không xả rác bừa bãi thì sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực tới bầu khí quyển xanh của trái đất.

 

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam: "Nếu chỉ thuần túy tính về số lượng rác mà những người nước ngoài đã nhặt thì chẳng thấm vào đâu, họ có nhặt hay không thì cũng không thay đổi nhiều. Tuy nhiên hành động đó lại rất có ý nghĩa bởi họ đã trực tiếp gửi tới mỗi người dân Việt Nam một thông điệp rõ ràng: Hãy cùng chung vai bảo vệ môi trường tùy theo cách thức và khả năng riêng của mỗi người. Nếu mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đều ý thức được việc bảo vệ môi trường có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thì trái đất sẽ không bị nóng lên từng ngày...”.

 

VACNE