Tọa đàm bảo vệ mẫu vật động vật hoang dã-tê giác

Cập nhật: 13/09/2013
Tê giác thuộc nhóm động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Loài này đang được cả thế giới kêu gọi bảo vệ khỏi sự săn bắn trái phép của con người và bọn tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Đây là vấn đề đặt ra tại buổi tọa đàm về quản lý mẫu vật loài hoang dã thuộc các phụ lục CITES do Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã của Hoa Kỳ tổ chức ngày 12/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES tại Việt Nam, gần đây Việt Nam trở thành nước vừa sử dụng, tiêu thụ, vừa là nước trung chuyển sừng tê giác lớn ở khu vực Đông Nam Á. Hiện trạng này ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Trước năm 2008, tình trạng săn bắn tê giác ở châu Phi khoảng dưới 10 cá thể, đến năm 2011 tăng lên 448 cá thể, năm 2012 là 668 cá thể tê giác bị giết hại và từ đầu năm 2013 đến nay 620 cá thể bị giết hại trái phép. Dự báo đến cuối năm nay, khoảng 1000 cá thể tê giác sẽ bị mất. Những cá thể bị săn bắn là những con trưởng thành, ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe của loài và dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.

 

Bà Khương Thị Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, Vụ 1 đã thụ lý hồ sơ 5 vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép liên quan đến sừng tê giác. Tuy nhiên, việc xử lý chưa cụ thể, rõ ràng vì mức án tối đa cho tội phạm buôn bán sừng tê giác trái phép chỉ 7 năm tù giam, trong khi mức lợi nhuận từ hành vi này không thấp hơn tội danh mua bán, tàng trữ ma túy. Hơn nữa, sừng tê giác là mặt hàng cấm nên không có quy định về giá, trong khi đó việc định giá khi xử lý các vụ án này lại là một trong những căn cứ để định khung hình phạt.

 

Qua nghiên cứu, sừng tê giác không có tác dụng chữa các bệnh hiểm nghèo như ung thu, liệt dương, hoặc giải rượu như nhiều người lưu truyền trong gần 10 năm gần đây. Trên thực tế, sừng tê giác chỉ có tác dụng giải nhiệt như sừng trâu.

 

Một điều khác mà nhiều người không biết là trong sừng tê giác có chứa độc tố. Đặc biệt là những sừng tê giác được lưu giữ trong bảo tàng tại châu Phi, để chống trộm, người ta đã tiêm vào sừng lưu giữ và cả sừng của tê giác còn sống chất độc ectoparasiticides, một loại chất cực độc cho con người, gây buồn nôn, ói mửa, co giật và nhiều thứ khác… để bảo vệ loài tê giác trên trái đất, ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam chia sẻ./.

Nguồn: TTXVN